PV: Xin PGS cho biết những nguy cơ dễ mắc ung thư đường tiêu hóa.
PGS.TS Vũ Hồng Thăng: Có rất nhiều nguy cơ có thể dẫn đến mắc ung thư đường tiêu hóa nhưng người ta hay nói đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý như ăn nhiều thịt đỏ, thịt cháy, ít chất xơ...; những người mắc các bệnh mạn tính cũng có nguy cơ cao trong đó phải kể đến người bệnh viêm loét dạ dày mạn tính, viêm đại trực tràng mạn tính, bệnh Cohn, bép phì. Nhấn mạnh phải kể đến sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá... là những yếu tố dễ dẫn đến ung thư thực quản và dạ dày. Một vấn đề thường thấy là những người mắc bệnh lành tính polyp, trước đây có thể gặp polyp ở thực quản, polyp dạ dày, trong đó đặc biệt là polyp trong đại trực tràng... là yếu tố nguy cơ cao dễ dẫn đến ung thư. Một số người bệnh có tiền sử ung thư (ung thư vú, buồng trứng,...) sẽ có nguy cơ cao ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người trong gia đình có tiền sử người thân bị ung thư đường tiêu hóa thì cũng có nguy cơ cao hơn.
PV. Xin PGS cho biết sự khác biệt tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa giữa 2 giới và vùng miền?
PGS.TS Vũ Hồng Thăng: Các trường hợp bệnh mắc ung thư đều có sự liên quan đến tuổi, giới tính, chủng tộc. Hầu hết ung thư đường tiêu hóa thì hay gặp ở nam giới hơn nữ giới, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng đều thấy nữ giới mắc ít hơn. Người ta thấy ung thư dạ dày mắc rất cao ở Việt Nam và ở Nhật Bản thường gặp phổ biến. Ung thư đại trực tràng liên quan nhiều đến lối sống của người da trắng, đất nước phát triển. Nước ta tỷ lệ ung thư cũng tăng lên do nhịp sống hiện đại. Những người ít vận động thì nguy cơ cũng tăng lên.
PGS.TS. Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K;
Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội đang tư vấn cho bệnh nhân.
PV. Hiện nay điều trị cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa bao gồm những kỹ thuật gì, thưa ông?
PGS.TS Vũ Hồng Thăng: Điều trị ung thư là điều trị cần phối hợp nhiều phương pháp nhưng hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính, các phương pháp này đã được thử nghiệm, có minh chứng rõ ràng và trên toàn thế giới áp dụng. Cụ thể, điều trị phẫu thuật (là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm); Điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp căn bản và thiết yếu để điều trị ung thư. Xạ trị có thể tiến hành điều trị thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất, đối với ung thư trực tràng; Điều trị hóa chất là chỉ định chủ yếu cho ung thư ở giai đoạn di căn, đồng thời cũng có vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn tiến triển tại vùng, sau điều trị tại chỗ, bệnh có nguy cơ cao tái phát di căn; Điều trị nhắm đích là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của ung thư.
Đau bụng, đại tiện có máu, đi ngoài phân lỏng...là những dấu hiệu thường gặp khi bị polyp đại tràng
PV: Vậy những kỹ thuật gì này được cải tiến như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Vũ Hồng Thăng: Phải nói răng hiện nay kỹ thuật chữa ung thư đường tiêu hóa đã được cải tiến rất nhiều. Mỗi phương pháp đều có sự tiến bộ, như phẫu thuật, trước kia nếu phẫu thuật tỷ lệ sống của bệnh nhân sau mổ là thấp, hiện giờ tỷ lệ đã được nâng lên do trình độ của y bác sĩ và mặt khác ý thức của người dân cũng được tăng cao, nhiều người đã đến khám và phát hiện ở giai đoạn sớm hơn. Tiến bộ về trang thiết bị và ký thuật xạ trị. Về điều trị hóa chất, những năm gần đây xét nghiêm gen, hóa mô miễn dịch để lựa chọn thuốc điều trị, khi xác định được tình trạng gen để lựa chọn điều trị trúng đích, miễn dịch, đấy là những tiến bộ mà chúng ta thấy trong vài năm gần đây.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PGS.TS Vũ Hồng Thăng khuyến cáo; Phần lớn ung thư đường tiêu hóa phát triển từ polyp, người đã điều trị ung thư, có polyp tuyến dễ mắc ung thư, đặc biệt có u tuyến trước 60 tuổi. Do vây, phát hiện sớm tình trạng này có ý nghĩa to lớn. Đối với người bệnh đã điều trị ung thư thì cần soi kiểm tra phần còn lại xem có polyp hay ung thư phần đại tràng còn lại hay không. Đối với người có tiền sử gia đình gồm có bố mẹ, anh chị em ruột, con có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng thì nên soi kiểm tra đại trực tràng bằng ống mềm cứ 3-5 năm/ lần cho các thành viên trong gia đình có tuổi đời trẻ hơn 10 tuổi tính từ người bệnh trẻ nhất trong gia đình, có thể người từ tuổi 40 trở lên.
Nên sàng lọc từ tuổi 50 trở lên, còn người dưới 50 tuổi nếu có thiếu máu, địa tiện phận lẫn nhầy máu thì cũng cần đi soi sớm. Tuy nhiên, người tuổi đối đời trên 75 mà đã soi trước đây bình thường thì không cần sàng lọc tiếp. Người đã có polyp nhỏ đã cắt bỏ thí nên định kỳ sau 5-10 năm, còn đã cắt polyp lớn thì soi lại sau cứ 3 năm. Một số biện pháp đang sử dụng hiện nay để phát hiện sớm bao gồm tìm máu tiềm ẩn trong phân, soi đại trực tràng, chụp cắt lớp vi tính dựng hình ảnh.
Còn tầm soát ung thư dạ dày thì nên kiểm tra tình trạng có nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori và điều trị sớm, thử pepsinogen trong máu, soi dạ dày tuổi 40, khi điều trị bệnh lý dạ dày trước đây.