Sáng 12/10, ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 24 giờ qua, trên địa bàn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Dự báo từ 12-14/10, khu vực Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến đạt 120-250 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 14/10, Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Ông Lê Quang Lam cho biết, dự báo ảnh hưởng do mưa lớn, nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét ở vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các công trình điện gió, công trình đang thi công các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng các xã phía Tây của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.
Ngoài ra, nguy cơ gây ngập úng vùng thấp trũng, các ngầm tràn và các đoạn đường giao thông vùng đất thấp, ngập úng cục bộ đô thị tại TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị.
Để ứng phó với mưa lũ, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có công điện khẩn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Sau mưa lũ khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự báo từ 11-13/10, Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 80-180mm, có nơi trên 250mm. Diễn biến mưa từ ngày 14-20/10 còn rất phức tạp và có khả năng kéo dài.
Mưa với cường độ lớn trong khoảng thời gian ngắn có khả năng gây ra sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và gây ra ngập, ngập úng cục bộ ở các đô thị, vùng thấp trũng.
Các vị trí có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ, lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển cụ thể. Tại huyện Phong Điền, đề phòng trượt lở đất đá ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Đặc biệt chú ý các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, 4, A Lin B2, B1.
Tại huyện A Lưới, các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến Quốc lộ 49A qua các xã Hương Nguyên, Hồng Hạ, Phú Vinh, Sơn Thủy. Đặc biệt, các điểm nguy cơ trượt lở rất cao trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các điểm xung yếu trên đèo A Co, Quốc lộ 49A.
Ở huyện miền núi Nam Đông, đề phòng nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan… Đặc biệt chú ý 9 vị trí có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân.
Huyện Phú Vang, đề phòng xói lở bờ biển đoạn xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, đặc biệt là khu vực có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra sạt lở đoạn qua thôn An Dương 1 thuộc xã Phú Thuận…
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến sáng 12/10, các xã lưu vực sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền vẫn còn bị ngập cục bộ. Một số tuyến đường nước ngập nên việc giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thông tin, mưa lớn kèm dông vào đêm 10/10 khiến hơn 20.000 hộ dân ở thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền mất điện. Đến chiều 11/10 khôi phục cấp điện trở lại.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thừa Thiên Huế mưa lớn, nhiều nơi ngập lụt, hàng nghìn hộ dân mất điện