Cảnh báo nhóm vi nấm mới có thể xâm lấn mô gây hàng loạt bệnh tật

16-10-2023 07:58 | Phòng mạch online

SKĐS - Những năm gần đây, một nhóm vi nấm có khả năng xâm lấn mô có xu hướng gia tăng, có khả năng gây bệnh ở xoang cạnh mũi, phổi, da, mô mềm, hệ thần kinh trung ương và xương, hoặc lan tỏa toàn thân.

Bệnh viện Da liễu Trung ương đã từng tiếp nhận một trường hợp với tổn thương là các nốt, cục trên da. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị không phù hợp dẫn tới tổn thương lan rộng thêm. Sau khi nuôi cấy và PCR giải trình tự gen, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân nhiễm nấm Scedosporium.

Cảnh báo nhóm vi nấm mới có thể xâm lấn mô gây hàng loạt bệnh tật - Ảnh 1.

Nguy cơ từ nhóm nấm mốc xâm lấn mô - Một vấn đề mới nổi toàn cầu hiện nay.

Nấm mốc có nguồn gốc từ đâu?

Nấm mốc xâm lấn (Scedosporium) có ở mọi nơi trong môi trường, bao gồm đất và nước ô nhiễm. Nhiễm nấm này ở người chủ yếu trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Đường lây nhiễm loại nấm mốc này thường từ đường hô hấp, bệnh nhân hít phải bào tử nấm từ môi trường vào phổi hoặc các xoang cạnh mũi, hoặc có thể do tiếp xúc trực tiếp qua các vị trí xây xước trên da.

Nấm xâm nhập có thể gây bệnh tại chỗ, xâm nhập vào các tổ chức mô xung quanh và/hoặc xâm nhập vào máu tới gây bệnh ở các cơ quan khác.

Nhiễm nấm Scedosporium ngày càng được báo cáo nhiều ở các vùng khác nhau trên thế giới, hơn nữa, ngoài đối tượng bệnh nhân suy giảm miễn dịch thì có ca đã được phát hiện trên bệnh nhân miễn dịch bình thường.

Trong một nghiên cứu tại Tây Ban Nha, Scedosporium là căn nguyên thường gặp thứ 2 trong các nguyên nhân do nấm mốc - sau Aspergillus.

Ở Australia, Scedosporium cũng được báo cáo là nguyên nhân hàng thứ 2 trong các nấm mốc sợi, với Scedosporium apiospermum chiếm 35%, Scedosporium aurantiacum chiếm 24%.

Phát hiện nấm mốc xâm lấn thế nào?

Biểu hiện lâm sàng do nhiễm trùng Scedosporium rất đa dạng bao gồm: nhiễm trùng da và mô mềm, viêm khớp nhiễm trùng, viêm tủy xương, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, áp xe não, viêm nội tâm mạc, viêm giác mạc, viêm võng mạc, viêm nội nhãn và nhiễm trùng lan tỏa.

Tổn thương da: Các tổn thương có thể xuất hiện dưới dạng nốt, cục, hoặc sẩn màu đỏ đến tím, có thể kèm bọng nước, tổn thương có thể có trung tâm hoại tử thẫm màu.

Đôi khi, có thể nhìn thấy mô hình lan rộng tổn thương theo đường bạch huyết với nhiều nốt, cục và mụn mủ.

Hình ảnh tổn thương da ở bệnh nhân nhiễm Scedosporium.

Scedosporium là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Scedosporium spp. cũng có thể gây nhiễm trùng nặng ở vật chủ có miễn dịch tốt (ở nạn nhân suýt chết đuối hoặc sau chấn thương xuyên thấu).

Chẩn đoán xác định nhiễm trùng do Scedosporium chủ yếu vẫn dựa vào nuôi cấy và PCR giải trình tự gen. Phương pháp PCR từ bệnh phẩm cho kết quả nhanh, giúp xác định loài tuy nhiên tỉ lệ dương tính thấp. Nuôi cấy định danh là tiêu chuẩn vàng, vừa giúp khẳng định chủng vi nấm gây bệnh, vừa có thể thực hiện kháng nấm đồ, giúp cho các bác sĩ lâm sàng lựa chọn thuốc kháng nấm phù hợp.

Điều trị nấm Scedosporium

Cho đến nay, phương pháp điều trị Scedosporium là phối hợp giữa thuốc kháng nấm, cắt lọc làm sạch tổn thương và các biện pháp bổ trợ khác. Voriconazole là thuốc được lựa chọn điều trị đầu tay, cho hiệu quả điều trị tốt và hầu hết bệnh nhân dung nạp tốt với thuốc. Thời gian điều trị cho đến khi bệnh nhân hết mọi triệu chứng cơ năng và thực thể.

Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, thời gian điều trị có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Ngoài ra có thể kết hợp micafungin và voriconazole hoặc terbinafine và voriconazole, dựa trên tác dụng hiệp đồng.

Nhằm cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu các bệnh lý trong chuyên ngành da liễu, từ ngày 23 đến 25/11/2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Da liễu Toàn quốc thường niên năm 2023 và Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ 1.

Các chuyên gia đầu ngành về da liễu trong nước và quốc tế sẽ thảo luận, chia sẻ 20 báo cáo quốc tế, 60 báo cáo trong nước.

Khi dùng thuốc chữa vi nấmKhi dùng thuốc chữa vi nấm

SKĐS - Vi nấm chia ra nấm men nấm sợi tơ và loại hỗn hợp. Nấm xâm nhập vào bên ngoài gây bệnh da gọi là “nấm nông”, xâm nhập vào bên trong gây bệnh mạn gọi là “nấm sâu”; một số chỉ gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi gọi là “nấm cơ hội”. Khi dùng thuốc chữa vi nấm cần phải chọn đúng thuốc, kiên trì điều trị...


TS.BS Trần Cẩm Vân
Trưởng khoa Xét nghiệm vi sinh, nấm, ký sinh trùng, BV Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn