Bệnh nhân sau khi được tiếp nhận cấp cứu, qua thăm khám bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đau ngực trái nhiều, khó thở. Huyết áp 120/80 mmHg. Kết quả điện tim cho thấy nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng.
Ngay lập tức người bệnh được dùng thuốc, chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy: Tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước của động mạch vành trái. Người bệnh được can thiệp đặt 1 stent vào vị trí động mạch bị tắc.
Sau can thiệp người bệnh hết khó thở, đỡ đau ngực. Sau 5 ngày điều trị người bệnh đã hồi phục và được ra viện.
Theo các bác sĩ trường hợp bệnh nhân trên là hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng về nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch ở các những người đang còn trẻ và tràn đầy sức lực.
Nhồi máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người trẻ tuổi cũng có thể gặp phải.
Do đó, người trẻ cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu của bệnh, không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
BS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, BVĐK tỉnh Phú Thọ khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh:
– Không hút thuốc lá. Lên kế hoạch cai thuốc nếu nghiện thuốc
– Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học.
– Giữ cân nặng ở mức cho phép. Hãy giảm cân nếu thừa cân theo hướng khoa học, sự trợ giúp của chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên chuyên nghiệp có thể cần thiết trong trường hợp này.
– Rèn luyện thể lực đều đặn 30 phút/ngày.
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát ra khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè, bác sĩ tâm lý.
– Khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, những người dễ bị nhồi máu cơ tim như cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc...