Sáng 25/6, khoảng 100 người bị chấn thương thể thao đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức khám và tư vấn miễn phí.
Tại chương trình, các chuyên gia chấn thương thể thao của Bệnh viện Việt Đức đã thăm khám, tư vấn theo dõi sức khoẻ, điều trị cho nguời bệnh, qua đó phát hiện nhiều trường hợp bị chấn thương thể thao nặng nhưng đến khám muộn, trong tình trạng đau dai dẳng kéo dài.
Chia sẻ với các phóng viên, chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức cho biết, mới đây đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.N.Q, 38 tuổi, đau cổ chân do chơi bóng đá, đau dai dẳng kéo dài sau chấn thương 1 năm.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Theo các chuyên gia y tế, xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân. Là một xương dị thường trên cơ thể con người do những cấu tạo đặc biệt của nó.
Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt.
Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao cho hay, qua thăm khám nhiều trường hợp chấn thương thể thao có một đặc điểm chung là bệnh nhân biết có tổn thương do chơi thể thao nhưng vẫn 'chịu đựng được" nên đã không khám và quá ham mê thể thao nên cố chơi!
"Với khớp lỏng lẻo lại vận động mạnh càng khiến người bệnh tăng nặng viêm, thoái hóa và tăng tiết dịch. Những trường hợp này tiên lượng sẽ thoái hóa sớm, đau nhiều, dễ dàng biến dạng chi dẫn đến chân cong, không duỗi được hết gối hoặc không gấp được gối.
Không ít bệnh nhân dù rất trẻ 25-26 tuổi khi đến khám xương khớp đã như người già do trước đó từng bị chấn thương ở khớp gối và khớp cổ chân" - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.
Theo các chuyên gia, chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm, chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Do đó, bác sĩ nhấn mạnh khi người bệnh có những biểu hiện như: Đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.