Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho gần 200 trẻ mắc sởi đa số các trường hợp trẻ đều chưa được tiêm phòng bệnh trong đó có ca xuất hiện biến chứng nặng.
Trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé Trần Thùy A. (8 tuổi), thuờng trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến 5 ngày nay, trẻ sốt từng cơn, ho iên tục, nhiệt độ cơ thể 39 - 40 độ C. Đồng thời, trẻ hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi... gần đây trẻ xuất hiện ban hồng từ vùng sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi của trẻ. Bệnh nhân uống thuốc không đỡ nên đuợc gia đình cho nhập viện điều trị.
Kết quả khám lâm sàng cho thấy trẻ phát ban toàn thân, chân tay run, da nổi vân tím, kết mạc mắt đỏ, họng đỏ... Qua hội chẩn chuyên khoa, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và được nhập viện điều trị.
Hiện đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu có bệnh nhi 05 tháng tuổi (Móng Cái) đuợc chẩn đoán mắc bệnh sởi biến chứng Suy hô hấp/Viêm phế quản phổi, hiện đang thở máy tiên luợng nặng.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại BV Sản Nhi Quảng Ninh.
90% bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm vắc xin phòng sởi
Bác sĩ Trần Văn Luơng cho biết, 90% bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm vắc xin phòng sởi. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng…, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm.
Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng sởi hoặc những trẻ được sinh ra ở những bà mẹ chưa có miễn dịch với sởi trước đó. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi.
Để phòng bệnh sởi, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.