Giới trẻ dễ dàng tiếp cận thuốc lá
Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn ra ngày 23/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Theo ước tính của WHO, Việt Nam đã tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là khoảng 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho hay, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mức giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá.
"Nguyên nhân chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới, đa dạng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Theo Điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bán với giá rất rẻ
Chia sẻ tại hội thảo, ThS. BS Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam, hiện nay, việc thực thi các qui định pháp luật, xử lí vi phạm còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo/khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm... vẫn còn phổ biến.
Đồng thời, ThS. BS Nguyễn Thị An cũng nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em. Với các gia đình, việc có thành viên sử dụng thuốc lá đã lấy đi một phần thu nhập đáng kể, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư cho giáo dục và y tế. Ở Việt Nam, năm 2020, chi mua thuốc lá của người dân là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng.
Đồng quan điểm với Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, BS An cho rằng thanh thiếu niên ở nước ta có thể dễ dàng mua thuốc lá mà không bị từ chối. Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm thuốc lá mới nhắm tới giới trẻ.
"Các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có những chiến lược, cách thức thu hút nhắm thẳng vào giới trẻ. Các chiến lược thường tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm với hình thức đẹp, bắt mắt dễ hấp dẫn trẻ em như: Hình cái bút, hình thỏi son, dán các hình hoạt hình ngộ nghĩnh… vào các sản phẩm, với nhiều loại hương vị mà trẻ em yêu thích như: Hương vị xoài, táo, chanh leo… có thể thu hút trẻ. Họ cũng thường sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng, những người mà trẻ thần tượng để quảng cáo sản phẩm, bán hàng"- BS An dẫn chứng.
Điều tra phối hợp trên 181 cửa hàng online cho thấy, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bán với giá rất rẻ; có những sản phẩm thuốc lá điện tử dùng một lần có giá trung bình khoảng 245.000 đồng, có những sản phẩm giá chỉ 50.000 đồng; thậm chí có những trang mạng sử dụng các khuyến mại như: Mua 3 tặng 1, mua 5 tặng 2… rất dễ dàng thu hút giới trẻ.
Do đó, BS An nhấn mạnh, cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lí vi phạm tại địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cũng là một giải pháp. "Việt Nam cũng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Sử dụng chính sách thuế và giá là giải pháp hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo áp dụng"- ThS.BS Nguyễn Thị An nói.
Ngoài ra, cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới. Truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.