Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cảnh báo cùng lúc đang có nhiều loại dịch bệnh gia tăng, trong đó có bệnh nhiễm giun lươn từ chó mèo, vật nuôi, phần lớn mắc bệnh là những người hay ôm ấp và chăm sóc chó mèo.
Chu trình nhiễm giun lươn
Giun lươn là loại giun rất nhỏ, dài 3 - 5cm, nhỏ như que tăm. Bình thường, người là vật chủ của giun lươn, nhưng đôi khi nó cũng gây bệnh ở chó, mèo, khỉ. Ấu trùng giun lươn có tên khoa học là filariform. Từ đất, chúng xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc niêm mạc. Sau đó, ấu trùng di chuyển đến phổi và xâm nhập vào khoang phế nang; di chuyển qua cây phế quản đến vùng hầu họng, rồi được nuốt xuống dạ dày, ruột non. Ở ruột non, chúng phát triển thành giun lươn trưởng thành rồi gây bệnh tại ruột, giun lươn cái xuyên thủng niêm mạc ruột, chui vào sống trong thành ruột gây viêm loét ở tá tràng. Giun cái đẻ trứng trong thành ruột, khoảng 50 -70 trứng mỗi ngày. Trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng chui ra lòng ruột và theo phân ra ngoài, nhiễm vào đất, tiếp tục lây nhiễm cho người khác.
Hạn chế ôm ấp chó mèo vì có thể nhiễm giun lươn.
Các dấu hiệu của bệnh giun lươn
Bệnh mới mắc hay gọi là nhiễm giun lươn cấp tính: bệnh nhân bị ngứa cục bộ, phát ban đỏ ở vị trí thâm nhập da. Sau đó, có thể bị kích thích khí quản và ho khan do ấu trùng di chuyển tới phổi và khí quản. Chúng di chuyển lên họng và được nuốt vào đường tiêu hóa. Vào đường tiêu hóa, chúng gây ra các triệu chứng: tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, chán ăn, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ. Triệu chứng ở các cơ quan khác gồm: viêm phổi gây ho, khó thở, nếu chụp Xquang phổi có vùng thâm nhiễm, viêm đa khớp, đau cơ, phù toàn thân, phì đại hạch...
Nhiễm giun lươn mạn tính: thường ít triệu chứng, đôi khi rối loạn tiêu hóa, ngứa, nổi ban đỏ thâm nhập da là phổ biến nhất. Một số triệu chứng ở đường tiêu hóa như: đau vùng thượng vị, tức bụng sau khi ăn, ợ nóng, tiêu chảy hoặc táo bón. Các triệu chứng ở da: mày đay mạn tính, dày hơn các vết bầm máu, nốt dát sần serpiginous dạng ecpet tái phát nhiều lần hoặc phát ban mày đay dọc theo mông, đáy chậu và đùi.
Hội chứng tăng nhiễm ấu trùng giun lươn là một trong những đặc điểm lâm sàng nặng của bệnh giun lươn và có tỷ lệ tử vong cao hơn 85%. Gồm các triệu chứng: ở cơ quan tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phù ruột, tắc ruột, loét niêm mạc, xuất huyết ồ ạt, nhiễm khuẩn huyết và viêm phúc mạc. Ở phổi: bệnh nhân bị ho, thở khò khè, khó thở, khàn giọng; viêm phổi; ho ra máu; suy hô hấp; tổn thương thâm nhiễm phổi lan tỏa trên phim chụp Xquang. Ở thần kinh: viêm màng não. Các triệu chứng toàn thân: phù ngoại vi và cổ trướng, tăng bạch cầu eosin ngoại vi; dát sẩn hoặc ban mày đay nổi dọc theo mông, đáy chậu và đùi tái phát nhiều lần, có thể xuất hiện bất cứ chỗ nào trên da.
Những biến chứng nguy hiểm
Bệnh giun lươn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng rất nguy hiểm như sau:
Bệnh ở não: là một trong những biến chứng nặng nề, nguy hiểm và tử vong nhiều nhất. Ấu trùng giun lươn phát triển trong lòng ruột, sau đó xuyên qua thành ruột, vào máu, đi thẳng lên não gây viêm não, viêm màng não, áp-xe não và xuất huyết não nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với viêm màng não do virut, vi khuẩn, lao, nấm... Bệnh ở phổi: giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi gây khó thở... Bệnh ở hệ tiêu hóa: giun lươn ký sinh trong thành ruột, đẻ trứng ở đó gây biến chứng viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường mật.
Ngoài ra, giun lươn còn gây các biến chứng tổn thương ở màng trong của tim, gây viêm tụy, suy gan, suy thận.
Vấn đề điều trị
Giun lươn là loại giun nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, dù là bệnh nhẹ cũng phải điều trị để tránh diễn tiến nặng. Thuốc điều trị đặc hiệu có thể dùng: thiabendazole; mebendazole; albendazole; ivermectin...
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh giun lươn có diễn biến rất nguy hiểm nên mọi người phải cảnh giác phòng tránh bằng các biện pháp hiệu quả như sau: điều trị tận gốc khi được chẩn đoán nhiễm giun lươn. Tẩy giun định kỳ (4 - 6 tháng/lần hay 3 - 4 lần trong năm) bằng thuốc đặc hiệu albendazone liều duy nhất.
Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm nếu nhiễm giun lươn. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể thao hàng ngày. Hạn chế ôm ấp chó mèo vì giun lươn có thể được thải ra từ chó mèo. Sau khi chăm sóc chó mèo, cần rửa tay thật sạch. Người thường hay tiếp xúc với đất phải đeo găng tay, đi giày, ủng để chống nhiễm giun. Quản lý tốt phân, nước, rác, không phóng uế bừa bãi.
ThS. Bùi Thị Thu Hương