Cảnh báo nguy hiểm tính mạng từ trào lưu dội nước đá

01-09-2014 09:17 | Y học 360

SKĐS - Theo Ths. BS Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai, việc dội nước lạnh từ trên đỉnh đầu có thể gây kích thích mạnh hành tủy, dẫn đến những phản ứng bất lợi của hệ tim mạch, như tim đập nhanh hơn, hệ mạch co lại bất thường, đặc biệt là hệ mạch não, có thể làm co thắt mạch não.

Trào lưu dội nước đá đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới, riêng trên trang video youtube cũng có tới 2,4 triệu video chia sẻ về hành động kỳ quặc này.

Tham gia dội nước đá có thể nguy hiểm đến tính mạng

Ths. BS Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai nêu quan điểm: “Việc thách thức, quay video rồi đăng lên các mạng xã hội là một bước tiến (hoặc lùi) của cách vận động gây quỹ này. Gọi là bước tiến, vì nó có thể nhân rộng số người quan tâm đến vấn đề này. Gọi là lùi, bởi nó không thúc đẩy giao tiếp thông thường trong xã hội vốn rất cần để chia sẻ thông tin thực sự, thái độ đối với vấn đề chính cần tiếp cận là căn bệnh xơ cứng cột bên teo cơ. Như vậy người ta có thể hiểu sai vấn đề, biến câu chuyện chính (bệnh xơ cứng cột bên teo cơ) trở thành phụ, còn việc phụ (ice bucket challenge) lại thành chính”.

Người dân Trung Quốc biểu tình phản đối trào lưu đang làm lãng phí nước.

Bên cạnh đó, trào lưu dội nước đá còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Bác sĩ Thái khuyến cáo, nên lưu ý vấn đề sức khỏe của bản thân, đặc biệt là những người gặp vấn đề về tim mạch, huyết áp, chấn thương hay phụ nữ có thai tuyệt đối không nên tham gia. Bởi đã có những trường hợp tử vong do xô nước vào đầu gât gãy cổ, sốc lạnh do việc dội nước đá có thể gây ra những phản ứng bất lợi của cơ thể, hay gặp là viêm đường hô hấp trên và dưới. - Dội nước thẳng từ trên đỉnh đầu có thể gây kích thích mạnh hành tủy, dẫn đến những phản ứng bất lợi của hệ tim mạch (tim đập nhanh hơn, hệ mạch co lại bất thường), đặc biệt hệ mạch não (co thắt mạch não).

Dội nước đá rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai.

Dội nước đá rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai.

Hiệp hội Y khoa Hồng Kông còn đưa ra một cảnh báo cho người tham gia phong trào này, họ cho biết, những người có nguy cơ cao không nên tham gia bởi sẽ có những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Tiến sĩ Louis Shih Tai giải thích, việc dội nước lạnh từ đầu xuống có thể làm cho người bình thường sốc, tụt huyết áp, thậm chí ngất xỉu. Nước lạnh được dội lên tạo cho con người có một cảm giác xơ cứng bất động do phải chịu đựng sự thay đổi đột ngột, điều này gần giống với những người bị bệnh xơ xứng teo cơ, một loại bệnh thần kinh vận động. Đây là lý do ra đời của trào lưu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt này.

Đối với những người bị tăng huyết áp hay bệnh tim, cái lạnh đột ngột có thể làm huyết áp tăng cao, thậm chí đã có trường hợp người tham gia bị đau tim ngay sau đó, ông Shih lý giải.

Vì sao trào lưu này lan truyền như bệnh dịch?

Mục đích ban đầu của trào lưu dội nước đá (Ice Bucket Challenge) rất tốt đẹp, nhằm quyên góp tiền cho nghiên cứu phòng chống bệnh ALS (xơ cứng teo cơ một bên). Người sáng lập phong trào này là một tổ chức từ thiện, họ đã kêu gọi mọi người quay video thực hiện hành động dội nước đá sau đó thách thức người khác thực hiện theo. Nếu ai làm được hành động “vừa khó vừa dễ” này sẽ chỉ phải quyên góp 10 USD, người không thực hiện được thử thách sẽ phải quyên góp 100 USD. Sau đó người thực hiện có thể thách thức các người khác làm theo.

Đối với những người sức khỏe bình thường, khỏe mạnh, việc dội nước đá là không quá khó khăn, tuy nhiên đối với những ai mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, hay những người sức khỏe yếu, đề kháng kém thì sẽ dễ bị nhiễm bệnh, nhiều trường hợp tai nạn do dội nước đá đã xảy ra.

Ảnh chế của dân mạng về sự lãng phí nước.

Sở dĩ hành động này trở thành một trào lưu lan tỏa khắp thế giới bởi những người tổ chức đã có một chiến lược truyền thông thông minh, họ nhắm tới các đối tượng là những chính khách, người nổi tiếng, hay những người bình thường nhưng muốn nhận được sự chú ý của công chúng, nhất là cho một mục đích tốt đẹp. Công cụ để lây lan virus “dội nước đá” lên người chính là mạng xã hội, những người thực hiện đã biến công cụ này trở nên hữu ích và cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên, những biến tướng của nó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, bởi mục đích của những người tham gia không phải là vượt qua thử thách mà để khoe thân, muốn được nổi tiếng, hay đơn giản chỉ là muốn hành động giống người nổi tiếng mà thôi. Bởi đến nay không phải ai làm các hành động này cũng quyên góp tiền, hay những người nhận được thách thức cũng tham gia.

Những người chỉ trích phong trào này cho rằng, việc dội nước là một trong những hành động lãng phí nhất, phá hoại môi trường nhất đang diễn ra trên khắp thế giới. Trong khi còn rất nhiều người trên thế giới đang chịu cảnh thiếu nước sạch, thì trào lưu “lãng phí nước sạch” này lan tỏa như một căn bệnh dịch. Trên tờ báo chính thức của Trung Quốc còn đăng nguyên một bài chỉ trích trào lưu “vô bổ” này. Ở ngay thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có hàng nghìn người dân vẫn đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thì ở đâu đó người ta lại đi đổ nước đi. Thậm chí cư dân mạng đã có nhiều bức ảnh chế giễu sự phung phí nước của phong trào này.

Trên trang New York Time gần đây còn tiết lộ những sự thật của trào lưu lãng phí này. Đó là chỉ có 27% số tiền quyên góp được sử dụng đúng như mục đích ban đầu của nó, là nghiên cứu phòng chống bệnh xơ cứng cột bên teo cơ, còn đa phần nó đã rơi vào túi tổ chức quyên góp, thậm chí là một số cá nhân. Theo ước tính của New York Time, số tiền các cá nhân tổ chức tài trợ cho căn bệnh ALS đã lên tới 100 triệu USD.

Hải Yến

 

 


Ý kiến của bạn