Ngủ ngáy do tình trạng không khí không được di chuyển một cách dễ dàng qua vùng mũi và miệng trong khi ngủ sinh ra tiếng ngáy. Đáng lo ngại nhất và nguy hiểm nhất là ngủ ngáy là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ và có thể gây nên tử vong. Bệnh xảy ra thường xuyên hơn 2-3 lần ở người lớn trên 65 tuổi. Xuất hiện nguy cơ ngưng thở khi ngủ tăng sau khi mãn kinh,...
Nguyên nhân nào dẫn đến chứng ngáy?
Nguyên nhân gây nên bệnh cũng rất nhiều, có thể là bẩm sinh hoặc phát sinh trong cuộc sống của bạn. Các nguyên nhân thông thường như: Tuổi cao: khi đã qua tuổi trung niên, vùng cổ họng trở nên hẹp hơn do sự đàn hồi các cơ vùng cổ giảm đi; Những bất thường về mũi và xoang: như vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi, còn có dị thường phát sinh ở vùng hàm mặt… có thể dẫn đến vùng mũi co hẹp khiến khí lưu thông tắc nghẽn dẫn đến chứng ngáy ngủ; Tình trạng thừa cân hoặc béo phì: Béo phì làm tăng lượng các mô mỡ vùng cổ và có thể làm giảm trương lực cơ vùng hầu họng góp phần tạo nên tình trạng ngủ ngáy; Uống rượu, hút thuốc và dùng thuốc: uống rượu, hút thuốc và sử dụng một số thuốc có tác dụng giãn cơ (thuốc an thần, thuốc kháng histamin) làm các cơ vùng cổ trở nên kém đàn hồi và thư giãn quá mức làm phát sinh tiếng ngáy; Tư thế ngủ: ngủ ở tư thế nằm ngửa dễ có xu hướng ngáy hơn do lưỡi gà và các cơ màn hầu bị kéo trùng xuống, dễ gây hẹp đường thở và tạo ra tiếng ngáy. Tuy nhiên, nếu ngủ ngáy khi ngậm miệng có thể chỉ ra rằng có bất thường về lưỡi. Ngủ ngáy khi há miệng có liên quan đến các mô, tổ chức trong vùng hầu họng. Ngủ ngáy khi nằm ngửa thường là ngủ ngáy mức độ trung bình thì có thể điều trị được bằng cách thay đổi tư thế ngủ và cải thiện lối sống sẽ cho kết quả khả quan. Ngủ ngáy ở tất cả các tư thế chứng tỏ mức độ ngủ ngáy là nghiêm trọng.
Vẹo vách ngăn mũi.
Quá phát Amidan.
Cảnh báo nguy hại do ngủ ngáy
Ngáy ngủ làm cho hô hấp ngừng tạm dừng, gây nên đại não, mạch máu thiếu oxy trầm trọng, nồng độ ôxy trong máu thấp dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, nhịp tim thất thường, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực. Thời gian ngưng thở vào ban đêm quá 120 giây dễ dẫn đến phát sinh hiện tượng đột tử.
Phân biệt chứng ngáy và ngừng thở
Ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu. Thường gặp của người bị ngưng thở khi ngủ là ngáy, buồn ngủ vào ban ngày, đau thắt ngực về đêm, giật mình thức giấc kèm theo thở gấp, ngạt thở. Ngoài ra, những triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, thiếu tập trung vào ban ngày, đau thắt ngực, hay giật mình thức giấc về đêm kèm theo thở gấp, ngạt thở. Hiện tượng này gây giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu. Nó sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não. Nguy cơ tử vong, tăng huyết áp gia tăng khi tổng số đợt ngưng thở khi ngủ trong một giờ càng gia tăng. Số lần ngưng thở khi ngủ càng cao thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng cao...
Polype mũi.
Phì đại cuốn mũi dưới.
Để cải thiện chứng ngủ ngáy?
Tuỳ nguyên nhân gây ngáy để điều chỉnh phù hợp. Cụ thể:
Giảm cân: Giảm cân dù chỉ là giảm một chút cũng làm giảm tổ chức mỡ phía sau thành họng, do vậy làm giảm hoặc ngưng tiếng ngáy.
Tập thể dục: Duy trì thường xuyên chế độ thể dục giúp giảm cân, đồng thời tăng trương lực cơ toàn thân nói chung và vùng cổ, vùng hầu họng nói riêng sẽ làm giảm triệu chứng ngủ ngáy.
Duy trì cân nặng hợp lý và thể dục giúp có tình trạng tim mạch tốt, có thể cải thiện tình trạng tăng huyết áp.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm kích thích niêm mạc vùng mũi họng, làm tắc nghẽn đường thở và do đó có nguy cơ gây ngủ ngáy, vì vậy, cần bỏ thuốc nếu đang hút thuốc lá. Bỏ thuốc lá sẽ có tác dụng tốt với sức khỏe cũng như tình trạng cao huyết áp.
Tránh sử dụng rượu, thuốc an thần trước khi đi ngủ, rượu và thuốc an thần đều có tác dụng giãn cơ, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông đường thở.
Tập đi ngủ theo giờ giấc đều đặn, việc tập và duy trì thời gian đi ngủ đúng giờ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc và hạn chế phát sinh tiếng ngáy (thường gặp khi cơ thể mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ).
Vệ sinh khoang mũi sạch sẽ trước khi ngủ, làm cho khoang mũi thông thoáng và không bị tắc nghẽn.
Giữ ẩm không khí trong phòng ngủ, không khí khô trong phòng ngủ làm kích thích niêm mạc mũi họng, uống đủ nước trong ngày, tránh làm khô niêm mạc mũi họng.
Gối đầu cao khi ngủ khoảng 10cm, khi ngủ gối đầu cao, họng và cằm có xu hướng đưa ra phía trước, điều này có thể ngăn chặn được chứng ngủ ngáy.
Tránh uống cà phê và ăn no trước khi đi ngủ 2 giờ, đặc biệt là các chế phẩm từ sữa. Điều này sẽ đảm bảo hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để có một giấc ngủ yên tĩnh.
Thay vì nằm ngửa khi ngủ thì nên đổi tư thế thành nằm nghiêng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nên đi khám ngay khi có các biểu hiện sau đây: Ngủ ngáy to và rất mệt mỏi trong ngày làm việc; Có triệu chứng ngưng thở khi ngủ, thở hổn hển hoặc khó thở trong khi ngủ...