Cảnh báo nguy hại khi người Việt sử dụng muối i-ốt hàng ngày đang giảm

26-06-2016 06:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khẩu phần hiện nay của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về vi chất dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì; thiếu vitamin A cận lâm sàng; thiếu máu, sắt, kẽm, i-ốt là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng

Vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh tật liên quan do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như bướu cổ, khô mắt, thiếu máu… có chiều hướng gia tăng.

Thông tin trên được TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cung cấp tại hội nghị triển khai nghị định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.

Khẩu phần hiện nay của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về vi chất dinh dưỡng

Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần hiện nay của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về vi chất dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì; thiếu vitamin A cận lâm sàng; thiếu máu, sắt, kẽm, i-ốt là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.  Theo PGS Bạch Mai, tỉ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi là 28%. Tỉ lệ này cao hơn ở miền núi với 31,2% và ở thành thị là 22%, tức là 4 trẻ ở thành thị có 1 trẻ thiếu máu. Trong đó, tỉ lệ thiếu máu ở lứa tuổi vàng (từ 6-24 tháng tuổi) rất cao, 45% trẻ dưới 1 tuổi và 43% trẻ dưới 2 tuổi bị thiếu máu.

Chưa kể, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ cũng thiếu máu trầm trọng. Sự thiếu máu của thai phụ dẫn đến nguy cơ của những tai biến sản khoa như băng huyết, sinh con nhỏ, yếu, sinh non và chắc chắn ảnh hưởng đến thể lực và tầm vóc của thế hệ sau.

“Từ năm 2000 đến nay, 15 năm trôi qua nhưng việc giảm tỉ lệ người thiếu máu cải thiện rất chậm.

Năm 2015, tỉ lệ thiếu máu vẫn là 25% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, 33% ở phụ nữ có thai và 28% ở trẻ em. Rõ ràng, để giảm tỉ lệ thiếu máu là thách thức rất lớn bởi thức ăn phòng chống thiếu máu có giá thành không thấp”- PGS.TS Lê Bạch Mai chia sẻ

Nguyên nhân thiếu máu chủ yếu là do thiếu sắt. Đáng nói là tỉ lệ thiếu sắt cũng rất cao. Ví dụ năm 2015, có tới 50% trẻ dưới 5 tuổi thiếu sắt, 47% thai phụ thiếu sắt và 24% phụ nữ ở tuổi sinh đẻ bị thiếu sắt.

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức độ cộng đồng hiện nay là nguyên nhân gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, liên quan đến việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của người Việt. Do đó, việc tăng cường vi chất vào thực phẩm là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Bữa ăn của trẻ cần được bổ sung các chất dinh dưỡng phong phú hơn            (Ảnh minh họa)

Theo Nghị định số 09/NĐ- CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm bao gồm: I-ốt, sắt, kẽm và vitamin A. Vi chất dinh dưỡng nêu trên phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. “Muối phải được tăng cường i-ốt. Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A” –TS Nguyễn Huy Quang cho biết thêm.

Cũng theo TS Quang, đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm vi chất dinh dưỡng của mình.

Những căn bệnh sẽ xảy ra do thiếu i-ốt

Bà Mai cho biết thêm, tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam sử dụng muối i-ốt trong ăn uống hàng ngày đang giảm theo đà “lao dốc” khiến nguy cơ các bệnh bướu cổ, đần độn, các rối loạn khác do thiếu i-ốt đang đe dọa gia tăng trở lại trên toàn quốc.

Nếu như năm 1993 có tới 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 12 tuổi là 22,4%, do đó chiến dịch tăng cường sử dụng muối i-ốt cho mục đích phòng bệnh triển khai trên cả nước đã từng bước đẩy lùi được nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan cho cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đang giảm sút nghiêm trọng.

“Một nghiên cứu rối loạn do thiếu i-ốt toàn quốc chỉ ra, sau thời kỳ đỉnh cao (năm 2004 - 2006) cả nước có tới gần 93% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn thì đến nay con số trên chỉ còn hơn 45%”- bà Mai dẫn chứng.

Thiếu i- ốt là nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ

Nguyên nhân của tình trạng trạng trên được nhận định là do tâm lý chủ quan trong cộng đồng khi các loại bệnh liên quan đến thiếu i-ốt tạm lắng. Thực trạng trên khiến cộng đồng đối mặt với các loại bệnh do thiếu i-ốt dẫn đến thiếu hoóc-môn tuyến giáp gây ra bướu cổ, đần độn, các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, giảm sự phát triển hệ thần kinh của bào thai, trẻ nhỏ ở những thai phụ thiếu i-ốt.

PGS Bạch Mai khuyến cáo, bổ sung i-ốt vào thức ăn có hiệu quả rất tốt trong việc phòng chống các rối loạn trên. Việc sử dụng muối i-ốt thường xuyên và lâu dài là biện pháp đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả để phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt. Sử dụng muối i-ốt cũng là giải pháp an toàn, không gây bất kỳ hậu quả xấu nào cho cá nhân và cộng đồng.


Thái Bình
Ý kiến của bạn