Tám sư tử ở Công viên thú Nehru nhiễm COVID-19 từ người?
Trung tâm sinh học tế bào & phân tử (CCMB) đã thực hiện các xét nghiệm RT-PCR và phát hiện thấy tám con sư tử châu Á tại NZP ở Hyderabad, bang Telangana dương tính với COVID-19.
Đây là lần thứ hai loài vật ăn thịt khổng lồ này được phát hiện mắc COVID-19 sau tám con hổ và sư tử ở vườn thú Bronx, New York, Mỹ có kết quả tương tự vào hồi tháng 4/2020.
Theo giới chuyên gia, rất có thể những con sư tử này bị nhiễm COVID-19 từ những người làm việc tại NZP, bởi theo báo cáo đến nay đã có hơn 25 nhân viên NZP bị nhiễm COVID-19.
NZP là công viên thú rộng 54 ha, chăm sóc hơn 2.000 loài động vật, nơi được nhiều du khách ghé thăm nhất ở Ấn Độ hiện nay. Vì sự cố trên NZP phải đóng cửa và chờ đến khi có thông báo mới.
Sư tử nhiễm COVID-19.
Virus có thể truyền từ động vật sang người và ngược lại
Nhiều nghiên cứu phát hiện thấy sự lây truyền qua đường không khí và tiếp xúc từ động vật sang động vật, từ người sang động vật và ngược lại. Mèo và chồn là hai con vật nhạy cảm với SARS-CoV-2 cao nhất, còn chó thấp hơn; gà, lợn, vịt không bị nhiễm bệnh.
Sự lây truyền ngược SARS-CoV-2 từ động vật sang người ở chó và mèo đã được xác nhận qua phân tích gen của các chủng virus được phân lập từ vật nuôi và chủ vật nuôi. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy không có triệu chứng lâm sàng ở chó và mèo bị nhiễm bệnh. Không có bằng chứng về sự lây truyền SARS-CoV-2 từ vật nuôi sang động vật, mặc dù không loại trừ khả năng này.
COVID-19 trong các trang trại nuôi chồn cho thấy sự lây truyền cả từ người sang chồn và ngược lại. Điều này dấy lên lo ngại về việc chồn có thể trở thành vật chủ trung gian bất ngờ của SARS-CoV-2.
Theo ba nghiên cứu được Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm châu Âu (CIDRAP) cập nhật cho thấy, tỷ lệ chó mèo có thể đã mắc phải COVID-19 cao từ chủ nuôi, và virus này đã “nhảy” qua lại giữa người và chồn trong các trang trại ở Hà Lan.
Chồn là loài động vật nhạy cảm với SARS-CoV-2 nhất.
Đầu tiên, là một nghiên cứu nhỏ do Đại học Guelph ở Ontario, Canada thực hiện. Kết quả, phần lớn chó và mèo cưng có thể đã nhiễm COVID-19 từ chủ, bằng chứng khoa học tìm thấy kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong máu của chúng.
“Xét nghiệm máu con vật sau khi chủ nhân bình phục là cách tốt nhất để đánh giá sự lây truyền từ người sang động vật vì thời gian để xác định hiện tại nhiễm trùng ở vật nuôi là hẹp. Có đủ bằng chứng từ nhiều nghiên cứu để khuyến cáo, những người nhiễm SARS-CoV-2 nên cách ly khỏi người và động vật”. TS Dorothee Bienzle, Đại học Guelph, tác giả chính nhấn mạnh.
Nghiên cứu thứ hai được công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases cuối tháng 9/2020. Các nhà khoa học ở Hồng Kông đã kiểm tra mẫu đường hô hấp và phân của 50 con mèo từ các hộ gia đình bị nhiễm COVID-19 hoặc những người tiếp xúc gần của chúng để tìm RNA SARS-CoV-2 từ ngày 11/2 đến ngày 11/8/2020. 6 trong 50 con mèo (12%) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 RNA trên RT-PCR và bộ gen của virus từ một cặp chủ và mèo giống hệt nhau. Tất cả các con mèo đều không có triệu chứng nhưng có các bất thường ở phổi tương tự như ở người bị nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu kêu gọi nên giám sát huyết thanh học rộng hơn đối với những con mèo được kết nối với bệnh nhân COVID-19 để xác định tỷ lệ lây lan từ người sang mèo.
Nghiên cứu thứ ba được trình bày tại hội nghị ESCMID, giám sát sự lây nhiễm COVID-19 tại 16 trang trại nuôi chồn hương với hơn 720.000 con ở Hà Lan. Kết quả, phát hiện thấy SARS-CoV-2 đã “nhảy” qua lại giữa người và chồn, trong trường hợp lây truyền từ động vật sang người hoặc ngược lại. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và giải mã trình tự toàn bộ bộ gen cho thấy, 66 trong số 97 người (67%) sống hoặc làm việc trong các trang trại được chẩn đoán là có COVID-19 trên PCR hoặc xét nghiệm kháng thể.
Các tác giả tiết lộ, hiện tại COVID-19 vẫn đang lây lan trong các trang trại, bất chấp những nỗ lực của con người. Để giảm thiểu nguy cơ lan truyền virus giữa người với động vật và ngược lại, các nhà khoa học cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thú y và người dân là điều cần thiết để xác định sớm và kiểm soát các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Cần cách ly mèo để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, để tránh lây truyền virus từ hộ gia đình bị nhiễm bệnh và vật nuôi sang vật nuôi, vật nuôi phải được cách ly tương tự như áp dụng ở người. Để thú cưng đi lang thang trong cộng đồng sẽ làm tăng khả năng lây lan virus. Nguồn gốc ban đầu của virus vẫn chưa được xác định, do đó, vật nuôi cần được quản lý chặt chẽ, áp dụng mọi biện pháp theo các cơ quan thú y quy định, đặc biệt là thú nuôi tại những vùng đã diễn ra dịch và đã dập dịch.