Mối nguy khi tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, bệnh thận và các vấn đề về thị lực do làm hỏng các mạch máu và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Phần lớn tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát). Chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (THA thứ phát). Đây là hệ quả của một số bệnh như thận, tuyến giáp…, có thể tăng huyết áp do uống rượu bia, chất kích thích, hoặc do uống một số loại thuốc trị bệnh.
Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Thuốc thông thường có thể gây tăng huyết áp
Các khoa học đã xem xét việc sử dụng các loại thuốc có nguy cơ làm tăng huyết áp từ dữ liệu trong Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ (NHANES) từ năm 2009 đến năm 2018. Các thuốc bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid theo đơn (NSAID), steroid, hormon, thuốc chống nghẹt mũi và thuốc giảm cân ở những người bị tăng huyết áp.
Nên kiểm tra huyết áp tại nhà sau vài ngày sử dụng thuốc có nguy cơ tăng huyết áp.
Kết quả cho thấy, 18,5% người trưởng thành bị tăng huyết áp đang dùng một loại thuốc có khả năng làm tăng huyết áp. Và những người bị tăng huyết áp có thể cần liều cao hơn để kiểm soát huyết áp nếu họ đang uống một thuốc điều trị bệnh khác mà làm tăng huyết áp.
TS. Timothy Anderson (Trường Y Harvard ở Boston) cho biết, nguy cơ một loại thuốc làm tăng huyết áp có thể bị bỏ qua, đặc biệt là đối với những bệnh nhân sử dụng các loại thuốc bổ sung trong nhiều năm.
Nên làm gì nếu bị tăng huyết áp vì thuốc?
- Với bệnh nhân, để tránh tăng huyết áp do thuốc, nên hỏi bác sĩ về những tương tác có thể xảy ra giữa các loại thuốc mới, bao gồm cả thuốc không kê đơn với các tình trạng và phương pháp điều trị hiện có. Đặc biệt là những bệnh nhân đến khám ở nhiều bác sĩ và họ không thể cập nhật thuốc nào bệnh nhân đang dùng.
-Với thầy thuốc: Có thể thay thế một loại thuốc tương tự mà không làm tăng huyết áp. Ví dụ, acetaminophen không làm tăng huyết áp, nhưng NSAID thì có. Cả hai loại thuốc này đều có thể làm giảm đau, riêng acetaminophen, một số NSAID còn giúp hạ sốt.
Trong trường hợp, kê đơn các loại thuốc có nguy cơ làm tăng huyết áp, cần khuyến cáo bệnh nhân kiểm tra huyết áp tại nhà sau vài ngày.
Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cho bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm huyết áp, giảm số thuốc cần dùng…
Nên hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm ăn mặn (< 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2 .
- Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
Để tránh tăng huyết áp nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi.
- Hạn chế uống rượu, bia: Số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh. Cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 1/12: Lo ngại sức tàn phá của Omicron, hàng loạt nước áp dụng biện pháp hạn chế