Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết thể não trên trẻ thừa cân, béo phì

25-05-2022 22:17 | Y tế
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết được đánh giá là bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. So với những đối tượng bình thường thì trẻ thừa cân, béo phì được đánh giá có nguy cơ bệnh trở nặng cao hơn, khó điều trị và dễ mắc các biến chứng nguy hiểm hơn.

Vừa qua Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhi bị mắc sốt xuất huyết trên cơ địa béo phì. Cụ thể, em T.D.A. nam, 7 tuổi (38kg, ngụ tại Vĩnh Lộc B, Bình Chánh). Khai thác bệnh sử ghi nhận A. sốt cao liên tục trong hơn 1 ngày, co giật toàn thân, tím tái, sau đó người nhà đã đưa trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM).

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mê, gồng giật toàn thân. Các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ hô hấp chống co giật, truyền thuốc hạ sốt. Sau đó mặc dù trẻ hết co giật nhưng lại rơi vào tình trạng lơ mơ và hôn mê dần. Trẻ đã được đặt nội khó quản giúp thở máy, thở máy, sử dụng Mannitol 20% và Natri Clorua 3% để chống phù não.

Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết thể não trên trẻ thừa cân, béo phì - Ảnh 1.

Quá trình điều trị sốt xuất huyết trên cơ địa béo phì rất khó khăn, bệnh nhân rất dễ trở nặng và mắc các biến chứng nguy hiểm (ảnh: BVCC)

Xét nghiệm máu cho thấy trẻ có tình trạng cô đặc máu Hct (tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu) tăng, tiểu cầu giảm, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên NS1 chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính, chọc dò dịch não tủy cho kết quả sinh hóa, tế bào bình thường. Chẩn đoán sốt xuất huyết thể não.

Đến ngày thứ 4 của bệnh, trẻ vào sốc với mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp, được truyền dịch chống sốc, đo huyết áp xâm lấn và áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn truyền dịch thích hợp và sử dụng thuốc vận mạch.

Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết. Trẻ được điều trị tích cực với thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, chống phù não, điều trị hỗ trợ gan như điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở.

TP.HCM đang có tỷ lệ trẻ dư cân, béo phì cao nhất cả nước. Những năm vừa qua, tỷ lệ trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết trên cơ địa dư cân, béo phì với những biến chứng nặng ngày càng tăng.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cảnh báo: "Những trường hợp trẻ dư cân béo phì, khi cơ thể bị sốt xuất huyết Dengue tấn công sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một trong những phản ứng đó chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm."

Cũng theo bác sĩ Minh Tuấn, quá trình điều trị sốt xuất huyết ở trẻ béo phì cũng khó khăn hơn so với trẻ có cân nặng bình thường hay trẻ suy dinh dưỡng. Khi bị sốt xuất huyết, trẻ sẽ thất thoát huyết tương nhiều dẫn tới tình trạng sốc. Trường hợp đã xảy ra sốc thì ngay cả trên những trẻ bình thường quá trình điều trị cũng rất khó khăn. Trong khi đó, trẻ bị dư cân sẽ dễ bị khó thở, suy hô hấp khiến cho quá trình điều trị sẽ càng khó khăn hơn.

"Trẻ dư cân béo phì dễ mắc các biến chứng hơn ví dụ như tổn thương gan, rối loạn đông máu, sốc kéo dài, xuất huyết nặng.... Chính vì vậy, trẻ dư cân béo phì cần theo dõi sát và cần được ưu tiên nhập viện ngay cả khi trẻ chưa có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn ói nhiều, hoặc xuất huyết." TS.BS Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ thêm.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn ra rất mạnh tại TP.HCM đặc biệt là các khu vực phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (Quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) .

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 8.481 ca trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 là 6.639 ca.

Trong tuần 20 (từ ngày 13/05/2022 đến 19/05/20222), Thành phố ghi nhận ghi nhận 943 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay đã có 7 trường hợp.

Tại sao Việt Nam không sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết?Tại sao Việt Nam không sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết?

SKĐS - Hiện nay trên thế giới đã có vaccine phòng sốt xuất huyết nhưng tại sao ở Việt Nam vẫn chưa đưa vào tiêm chủng để tăng khả năng phòng bệnh?


P. Thương
Ý kiến của bạn