Hà Nội

Cảnh báo nguy cơ làm yếu xương của thuốc corticosteroid trị hen suyễn

23-10-2020 21:08 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới cho thấy, những người sử dụng thuốc kiểm soát bệnh hen suyễn thông thường có nguy cơ phát triển giòn xương và xương dễ gãy.

Corticosteroid được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa các cơn hen suyễn, đặc biệt ở dạng hít. Khi bệnh hen suyễn khó kiểm soát hơn, các loại thuốc uống có thể được kê đơn để hỗ trợ trong một thời gian.

Từ lâu, người ta đã biết rằng corticosteroid uống - đặc biệt ở liều cao - có thể làm giảm mật độ xương và một số bằng chứng đã gợi ý rằng các dạng thuốc hít cũng có nguy cơ này. Tuy nhiên, những người mắc bệnh hen suyễn không nên từ bỏ các loại thuốc kiểm soát hen suyễn của họ.

TS Chalitsios, Đại học Y khoa Nottingham, Vương quốc Anh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Corticosteroid dạng hít đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm đường thở trong bệnh hen suyễn. Bệnh nhân bị hen suyễn không nên ngừng sử dụng ống hít này. Nhưng các bác sĩ nên kê đơn corticosteroid ở liều thấp nhất cần thiết để kiểm soát bệnh,

Các phát hiện dựa trên hồ sơ y tế của gần 3.700 người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn và loãng xương hoặc tiền sử gãy xương. Mỗi người được so sánh với ít nhất bốn bệnh nhân khác cùng tuổi mắc bệnh hen suyễn, nhưng không mắc bệnh xương.

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc các bệnh về xương tăng lên cùng với số lượng bệnh nhân kê đơn steroid trong năm qua. Những người có bốn toa thuốc corticosteroid uống trở lên có nguy cơ bị loãng xương cao hơn khoảng bốn lần, so với những người không có toa thuốc này. Nguy cơ gãy xương tăng gấp đôi khi bệnh nhân có từ 9 đơn thuốc trở lên. Trong khi đó, steroid dạng hít cũng có liên quan đến xương dễ gãy, mặc dù ở mức độ nhẹ hơn, các nhà điều tra nhận thấy.

Bệnh nhân sử dụng ống hít có nguy cơ loãng xương cao hơn từ 35% đến 60% so với người không sử dụng và nguy cơ gãy xương bắt đầu tăng lên khi bệnh nhân có hơn 6 đơn thuốc trong năm, lên tới 31% trong số những người có 11 đơn thuốc trở lên. Tuy nhiên các phát hiện cho thấy có sự liên  kết chứ không chứng minh rằng steroid thực sự gây loãng xương hoặc gãy xương.

Tiến sĩ Megan Conroy, một nhà nghiên cứu về phổi tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio, ở Columbus, cho biết: Có nhiều dữ liệu tốt cho thấy corticosteroid dạng hít giúp cải thiện việc kiểm soát bệnh hen suyễn. Điều này sẽ làm giảm việc sử dụng corticosteroid đường uống. Tuy nhiên, điều quan trọng, bác sĩ nên nói chuyện với bệnh nhân về các cách để bảo vệ sức khỏe xương của họ. Nhìn chung, các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D (theo chỉ địnhcủa bác sĩ), cũng như thường xuyên tập thể dục chịu được trọng lượng, bao gồm đi bộ, leo cầu thang và tập với tạ.

Với những người sử dụng corticosteroid lâu năm, nên bắt đầu kiểm tra mật độ xương ở độ tuổi sớm hơn so với khuyến cáo chung (65 tuổi đối với phụ nữ). Bệnh nhân tiếp xúc với corticosteroid cũng có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách giảm liều. Tiến sĩ Megan Conroy nhấn mạnh.

Mặt khác, nếu bệnh hen suyễn nghiêm trọng đến mức phải sử dụng liên tục corticosteroid đường uống, có thể sẽ phải chuyển sang các loại thuốc tiêm “sinh học” mới hơn. Đây cũng là một lựa chọn.

TS Chalitsios cho biết, một số bệnh nhân cũng có thể được hưởng lợi từ các loại thuốc bảo vệ mật độ xương như bisphosphonates.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn