Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc bệnh lý đột quỵ. Và điều đáng chú ý là tần suất bệnh xuất hiện là vào thời điểm thay đổi thời tiết như chuyển lạnh. Tìm hiểu ngay về bệnh lý đột quỵ não trong bài viết sau:
Tại sao bị đột quỵ não thường ở mùa lạnh
Trước hết, bạn đọc cần biết, đột quỵ não là các triệu chứng trên lâm sàng phát triển một cách nhanh chóng của sự rối loạn chức năng não một cách khu trú hoặc toàn diện cùng các biểu hiện kéo dài khoảng 24 giờ hay có thể lâu hơn do nguyên nhân nguồn gốc ở mạch máu não.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ là do lượng oxy cung cấp đến mạch máu não bị tắc nghẽn do bất kỳ nguyên nhân nào hay vỡ động mạch đến não gây ra tổn thương não bộ, thậm chí tử vong.
Vậy, tại sao bị đột quỵ não vào mùa lạnh tăng cao hơn? Giải thích cho điều này, các nhà nghiên cứu thấy được, khi mùa đông về, cơ thể sẽ có các phản ứng tự nhiên tăng cường tiết catecholamine nhằm mục đích hỗ trợ co mạch máu ngoại vi để ngăn ngừa nguy cơ thoát nhiệt, đảm bảo nhiệt cần thiết cho cơ thể. Lúc này, vấn đề co mạch xảy ra, huyết áp sẽ tăng, từ đó làm tăng nguy cơ vỡ mạch, xuất huyết trong não, vấn đề này xảy ra nhiều hơn ở người đang gặp tình trạng xơ vữa động mạch.
Không chỉ vậy, khi co mạch, nguy cơ vỡ mạch huyết khối và tắc mạch có thể xuất hiện nhiều hơn. Ở một số trường hợp khác, các y bác sĩ thấy được, khi trời chuyển lạnh, nhiệt độ thân thể giảm, cơ thể sẽ tăng cường sản sinh hồng cầu và tiểu cầu với số lượng lớn hơn, tăng cường sự trao đổi chất và thúc đẩy sự hình thành của các cục máu đông, tăng cường nguy cơ mắc vấn đề về tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ não.
Đặc biệt, trên người cao tuổi đang có các vấn đề bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu,… thì tỷ lệ xuất hiện tình trạng càng cao hơn so với các đối tượng trẻ tuổi.
Phân loại đột quỵ
Đột quỵ được chia làm hai loại với đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là tình trạng xuất hiện các cục máu đông và các hạt nhỏ tích tụ như các hạt lipid gây ra tắc nghẽn, không để oxy và máu lưu thông.
Đột quỵ xuất huyết là tình trạng khi một động mạch não bị rò hay vỡ làm máu thoát mạch đi ra ngoài. Tình trạng này thường xuất hiện ở người có tiền sử tăng huyết áp hay phình động mạch với các vết phồng bị kéo dài và dễ vỡ.
Với cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua thì đó không phải là một dạng đột quỵ chính do lưu lượng máu đi đến não chỉ bị ngăn chặn trong khoảng thời gian khá ngắn – thông thường không đến 5 phút. Và đây cũng có thể coi là một trong các triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ có thể sắp xảy ra.
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ não
Theo Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ khuyên tất cả mọi người học cách nhận ra những dấu hiệu sau đây của đột quỵ:
• Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể.
• Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói.
• Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên.
• Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác.
• Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân.
Quy tắc FAST là một trong những cách giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ nhanh nhất và xử lý đúng.
F (face): bệnh nhân có thể bị méo miệng, liệt mặt, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười khuôn mặt bị mất cân đối.
A (arm): yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
S (speech): gặp tình trạng khó nói, nói ngọng, dính chữ. Đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có hiểu không? Có lặp lại được không? Nghe xem có bị đớ, ngọng hay dính chữ không? Nếu có thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
T (time): khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có điều trị đột quỵ.
Khi xuất hiện các triệu chứng trên, việc sơ cứu đột quỵ cần được tiến hành bởi các nhân viên y tế có đầy đủ chuyên môn.
Đồng thời, tùy vào các tình trạng đột quỵ, nhân viên y tế sẽ có các hướng điều trị phù hợp nhằm giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế tối đa mức độ tàn phế. Trong giai đoạn điều trị, bác sĩ có thể sử dụng các nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu hay thuốc kích hoạt plasminogen mô tái tổ hợp hay tiến hành phẫu thuật…
Dự phòng nguy cơ đột quỵ não vào mùa lạnh
Vào mùa lạnh, người bệnh, đặc biệt là đối tượng cao tuổi có khả năng mắc các bệnh đột quỵ trên não cao hơn bình thường. Chính vì đó việc dự phòng bệnh đột quỵ là vô cùng cần thiết với các biện pháp sau:
- Kiểm tra sức khỏe đều đặn 6 tháng một lần để kiểm soát các tình trạng bệnh lý như mỡ máu, tim mạch, huyết áp. Tuân thủ đúng các khuyến cáo sử dụng thuốc theo đúng yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa.
- Giảm căng thẳng, lo âu, tạo cho bản thân một trạng thái thoải mái.
- Thực hiện mặc ấm, đặc biệt là tại vùng đầu và cổ.
- Mỗi ngày nên có khoảng 15 phút vận động nhẹ nhàng.
- Không nên tắm quá muộn hay vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy.
- Uống nước ấm mỗi ngày với người lớn từ 1,5 đến 2 lít.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm kích thích như rượu hay thuốc lá
- Thực hiện một chế độ ăn đúng, đủ và hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, giảm ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ hay chất béo.
Thu Nguyễn