Tiến sĩ Ester Kringeland, Đại học Bergen ở Na Uy, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: Kết quả này bổ sung thêm bằng chứng rằng huyết áp cao có những tác động đặc biệt bất lợi đối với trái tim của phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu đã điều tra mối liên hệ giữa huyết áp tăng nhẹ ở tuổi trung niên và hội chứng mạch vành cấp tính ở 6.381 phụ nữ và 5.948 nam giới tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Hordaland của Na Uy. Tăng huyết áp nhẹ, giai đoạn 1 là huyết áp tâm thu 130–139 mm thủy ngân (mm Hg) và huyết áp tâm trương 80–89 mm Hg.
Khi bắt đầu nghiên cứu, độ tuổi trung bình của những người tham gia là 41 tuổi, 25% phụ nữ và 35% nam giới bị tăng huyết áp giai đoạn 1. Trong 16 năm tiếp theo, 1,4% phụ nữ và 5,7% nam giới được chẩn đoán bị đau tim hoặc đau thắt ngực không ổn định.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác như: Bệnh tiểu đường, hút thuốc, chỉ số khối cơ thể, mức cholesterol và mức độ hoạt động thể chất… các nhà khoa học nhận thấy, những phụ nữ bị tăng huyết áp nhẹ có nguy cơ mắc hội chứng mạch vành cấp tính cao gấp 2,18 lần so với những phụ nữ có huyết áp bình thường khi bắt đầu nghiên cứu.
Ở nam giới, không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa huyết áp và các hội chứng mạch vành cấp. Theo các tác giả, có sự khác biệt dựa trên giới tính về cách các động mạch nhỏ phản ứng với huyết áp cao khiến cho phụ nữ dễ bị tổn thương.
Hiện tại, các hướng dẫn lâm sàng của Mỹ và Châu Âu không phân biệt nam và nữ về thời điểm bác sĩ lâm sàng nên bắt đầu điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, theo TS Kringeland, một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng phụ nữ bị tăng huyết áp dễ bị tổn thương các cơ quan liên quan đến huyết áp và tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao hơn đối với bệnh tim mạch (CVD) ở phụ nữ so với nam giới.
Các chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện lối sống lành mạnh để giúp giảm huyết áp: Ví dụ như 150 phút tập thể dục vừa phải mỗi tuần, thực hiện chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, ăn ít muối và chất béo có hại… Nếu bạn là người hút thuốc, hãy bỏ thuốc là điều tốt nhất bạn có thể làm cho trái tim của mình.