Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 9, đang cố gắng gượng dậy, khắc phục nhanh hậu quả sau bão. Đến với bà con vùng lũ, mới thấy rằng, nguy cơ dịch bệnh đang rất rõ, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt và tận tâm của cán bộ y tế cơ sở.
Mải kiếm sống nên chưa lo bệnh
Ngay khi bão tan, Bộ Y tế đã cấp bổ sung 20 cơ số thuốc và 100.000 viên cloramin B cho tỉnh Kon Tum. Sở Y tế đã ngay lập tức phân bổ số thuốc trên cho trung tâm y tế 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại mỗi trung tâm y tế các huyện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 5 cơ số thuốc và 2 cơ số dụng cụ tế. Riêng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum đã dự trữ được 50 cơ số thuốc và 15 cơ số dụng cụ y tế để sẵn sàng ứng cứu cho các huyện.
Người dân phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) - một phường chịu ảnh hưởng nặng nhất của thành phố Kon Tum, hiện nay lo nhất là nguồn nước sạch sinh hoạt. Ông Trần Xuân Nam - Chủ tịch UBND phường Lê Lợi nói: "Toàn bộ giếng nước của bà con đã bị ngập trong lớp đất bùn, bẩn, ô nhiễm". Đến tổ 1 phường Lê Lợi nơi nước lũ vừa rút, hậu quả của nó để lại là một đống hoang tàn, đổ nát, nhiều vật dụng đồ đạc bị vùi dưới lớp bùn dày đến hàng mét. Trên đầu trời nắng chang chang, ở dưới mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, ngột ngạt. Dưới lớp bùn đất ẩm ướt, xác các loại gia súc chết lẫn với đám bùn đỏ quạch bắt đầu thối rữa, ruồi nhặng bu bám đen kịt. Cán bộ y tế phường dù cố hết sức nhưng mới chỉ tiến hành khử trùng lấy nước sạch cho 18 giếng nước, cấp thuốc khử trùng cho 43 hộ.
Người dân tỉnh Kon Tum đang dọn dẹp sau lũ.Ảnh: Phương Nguyễn |
Còn người vùng "rốn lũ" Tu Mơ Rông là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tỉnh Kon Tum, ngay sau khi bão qua, công tác y tế phòng dịch sau lũ của Trung tâm y tế huyện Tu Mơ Rông triển khai khẩn trương. Cán bộ y tế xuống từng xã, thôn làng kết hợp với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản khám điều trị cho những người bị thương trong cơn bão và giúp nhân dân cách vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng tại các khu ô nhiễm, bùn lầy, có nhiều gia súc chết. Nhưng hiện nay bà con đang lo từng bữa ăn nên chưa thực sự mặn mà với việc phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, trình độ dân trí của bà con dân tộc ở đây còn thấp nên ý thức phòng bệnh còn nhiều hạn chế. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra nếu chúng ta không có cách phòng chống, đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế Kon Tum trong công tác phòng chống, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con dân tộc cách phòng chống dịch bệnh. Có như vậy mới có thể khống chế kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra đối với bà con vùng lũ ở Kon Tum.
Ông Lê Huy - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ngãi hiện đã không tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi nhiễm cúm A/H1N1, mà tập trung giám sát ca nghi nhiễm tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện ca nghi nhiễm và trường hợp nào nghi nhiễm sẽ được đưa vào điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế (sử dụng ngay tamiflu và điều trị theo như người bị nhiễm).
Do vậy, cùng với việc phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, ngành y tế tăng cường công tác tuyên truyền. Người dân không nên chủ quan với cúm A/H1N1 và các bệnh dễ bùng phát sau bão lũ.
Tuy nhiên khó khăn cho nhiều địa phương hiện nay là do lũ lên cao, nước ngập từ 2 - 3 mét và không có điện trong nhiều ngày liền, đã ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường; xử lý nguồn nước; thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do đó, ngay lúc này, việc chống dịch bệnh sau bão lũ đồng thời chống dịch cúm A/H1N1 cần được triên khai song song cùng lúc.
Đan Tâm - Thanh Thuận