Cảnh báo ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ nhỏ

26-08-2012 07:28 | Thông tin dược học
google news

Trong thực tế đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em.

(SKDS) - Trong thực tế đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em.

Vì sao trẻ hay bị nghẹt mũi?

Trẻ em thường dễ nhạy cảm với thời tiết. Hệ hô hấp của trẻ nhỏ cũng rất dễ bị sung huyết, kích ứng đường thở khi nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột, nhất là lúc chuyển mùa hoặc nằm phòng điều hòa. Do nghẹt mũi, khò khè, nhiều bé không thể bú được và rất khó ngủ. Trong những trường hợp này, nhiều bà mẹ đã vội cho con mình dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn dẫn đến do bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi, thường hay gặp là loại naphazoline.

Lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở nước ta là naphazoline. Có khá nhiều tên thương mại như rhinex 0,05%, nasoline 0,05%... Cần chú ý loại này không được dùng cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi. Trong thực tế đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Sau khi nhỏ mũi từ 30 phút đến 2 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Sau đó, trẻ lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Không được tự ý sử dụng thuốc co mạch cho trẻ nhỏ.
Khi trẻ bị nghẹt mũi cần làm thông mũi cho trẻ. Nếu trẻ nghẹt nhiều, nên sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi. Hướng dẫn trẻ tránh thói quen hỉ mũi mạnh cả hai bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ. Làm thông mũi 2 - 3 lần mỗi ngày và trước khi cho trẻ bú, ăn. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Tuyệt đối không nên dùng miệng để hút mũi vì có thể lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ. Không tự ý dùng thuốc kháng sinh trị nghẹt mũi vì không những không hết nghẹt mũi mà còn làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ em nhưng đa số các bà mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay mua thuốc theo mách bảo. Do vậy, để phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ em, cần tuyên truyền rộng rãi, nhắc nhở lại khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 7 tuổi. Người nhà cần biết cách chăm sóc trẻ khi bị nghẹt mũi để tránh tai biến cũng như diễn tiến bệnh kéo dài gây biến chứng.

DS. Quốc Anh


Ý kiến của bạn