Cảnh báo ngộ độc sắn ở vùng sâu

14-08-2020 06:52 | Tin nóng y tế

SKĐS - Theo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho nhiều ca cấp cứu vì ngộ độc sắn (củ mì). Đáng báo động là có trẻ em đã tử vong, thói quen ăn sắn cao sản, sắn đắng chế biến sơ sài cần nhanh chóng được thay đổi ở nhiều vùng nông thôn.

Tử vong và hoảng loạn

Ngày buồn của buôn đã trôi qua gần 2 tháng nhưng nhắc đến chuyện ngộ độc sắn, nhiều người dân ở buôn Ja (xã Bông Krang, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk) vẫn còn bàng hoàng, buồn bã vì có người tử vong do ăn sắn, đó là em H’Uynh. Do người lớn đi vắng nên H’Uynh cùng 2 bạn khác trong buôn là H’Nguyệt (9 tuổi) và H’Lệ (4 tuổi) cùng rủ nhau ăn sắn tươi đã luộc lên. Thấy đắng nhưng vẫn ăn. Ăn xong không bao lâu thì đau đầu, đau bụng, nôn ói. Được người thân đưa đến cơ sở y tế nhưng H’Uynh đã tử vong.

Anh Y Kân Du (30 tuổi, cha H’Lệ) cho biết: Cái chết thảm của H’Uynh khiến ai cũng buồn. Đã mấy tuần trôi qua mà vẫn buồn. Từ giờ, ăn sắn tươi luộc phải cẩn thận thôi. Hôm ấy nhà người thân có bụi sắn tốt nên ra nhổ lên rồi nghĩ như mọi khi cứ bóc vỏ, luộc ăn cũng chả sao. Dù luộc đã thấy mềm nhưng khi ăn vẫn đắng, người lớn cũng không muốn ăn. Sau 3 đứa trẻ mày mò, lục ra ăn. Khi người lớn phát hiện thì cả 3 cháu đang nằm vật vã kêu đau đầu, có cháu đã tím cả người. Dù các bác sĩ đã tức tốc cấp cứu nhưng chỉ có H’Nguyệt và H’Lệ qua khỏi.

ngộ độc sắn Gần đây, nhiều ca ở Tây Nguyên phải cấp cứu vì ngộ độc sắn.

Đi làm rẫy giúp cho người thân ở khu vực tiếp giáp với Đăk Lăk là Ninh Hòa (Khánh Hòa), 2 bố con anh Trần Văn Tùng mấy ngày đầu tháng 8 cũng choáng váng và nôn ói liên tục, phải bỏ nương rẫy nằm bẹp ở nhà vì ăn sắn đắng nhiều lần. Anh Tùng chia sẻ: “Cũng may, bị ngộ độc nhẹ nên không sao, nôn hết rồi nghỉ ngơi mấy ngày thì lại tiếp tục đi làm được. Nếu bị ngộ độc nặng, chắc phải đi cấp cứu do ăn sắn cao sản luộc lúc đang đói bụng. Ban đầu thấy sắn có vị đắng nhưng nghĩ đó là chuyện bình thường nên cứ ăn, không ngờ ăn xong thì vật vã mãi giống như người say nắng. Bây giờ phải nhắc nhở người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ, thấy sắn đắng là tuyệt đối không ăn nữa. Khi luộc phải luộc kỹ, bóc vỏ thật sạch”.

Nên cẩn trọng

Nhiều người dân ở các làng của Đăk Lăk, Đăk Nông cho rằng: Xưa nay ăn sắn tươi vừa nhổ lên vào luộc ngay là bình thường. Sắn trên rẫy hay quanh nhà lại nhiều, có gia đình còn mang sắn đi làm để ăn, thấy đắng thì nghĩ còn mủ chứ không nghĩ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Nhiều bác sĩ, chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo: Khi sắn tươi luộc hoặc nướng mà có vị đắng, nên bỏ ngay bởi trong loại củ này có một độc tố thuộc loại glucocid, khi gặp men tiêu hóa, axid hay nước sẽ thủy phân và giải phóng axid cyanhydric. Chất này có thể gây ngộ độc chết người. Tùy vào mức độ, người lớn có sức đề kháng tốt thì ảnh hưởng nhẹ nhưng đối với trẻ nhỏ và người già sẽ dẫn đến ngộ độc nặng. Sắn không có vị đắng thì chất này thấp, còn càng đắng thì chất này càng cao, cũng có thể gây ngộ độc. Không nên ăn khi thử thấy đắng. Lúc chế biến, nên luộc kỹ, bóc sạch vỏ, ngâm và rửa hết mủ, cắt 2 đầu của sắn bỏ đi. Triệu chứng chính của ngộ độc sắn đắng thường là: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lưỡi tê đi, sau đó là biểu hiện của rối loạn thần kinh, bệnh nhân ở trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, bị co giật, co cứng cơ... Khi đó, phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được cấp cứu.

Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Có trường hợp ngộ độc sắn phải tiến hành đặt sonde dạ dày và dịch truyền. Khi có bệnh nhân đến cấp cứu, đội ngũ nhân viên y tế còn tuyên truyền và dặn dò rất kỹ càng. Với loại ngộ độc này, không thể chủ quan!


ĐÔNG HƯNG-THÀNH LÊ
Ý kiến của bạn