Cảnh báo: Ngày càng nhiều học sinh bị trầm cảm vì áp lực học tập

18-12-2018 13:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo khảo sát mới nhất của một tổ chức phi chính phủ St James Scharge của Hồng Kông, Trung Quốc cho biết, có tới 14% học sinh của Hồng Kông bị stress, căng thẳng ở mức độ cao nhất. Cuộc điều tra được tiến hành trên 807 học sinh lớp 3 đến lớp 6.

Theo phiếu đánh giá có thang điểm từ 1-10, đa phần những học sinh này ở trong các gia đình có thu nhập thấp. Có khoảng 19% số học sinh được hỏi tự chấm điểm cho thấy các em đang bị căng thẳng ở mức từ 7-9 điểm, 32% ở mức từ 4-6 điểm và khoảng 32% còn lại cho biết các em ít cảm thấy căng thẳng, lo lắng.

Cô bé Poon Cheuk-lam, 10 tuổi, một học sinh ưu tú, thường đứng đầu lớp cho biết em sẽ cảm thấy căng thẳng, lo lắng mỗi khi không làm tốt trong các kỳ thi, chủ yếu em lo lắng về việc bố mẹ em cảm thấy  thất vọng về mình. Cô bé Poon cho biết, em lo lắng rằng điểm số của em không đủ cao để vào một trường tốt... mặc dù mẹ em  luôn nói với em  rằng chỉ cần cố gắng hết sức, tuy nhiên em vẫn sợ phải đối mặt với việc đó.

Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, hầu hết học sinh ở Hồng Kông đang chịu áp lực rất lớn để thực hiện tốt công việc học tập ở trường – nơi chủ yếu đánh giá học sinh qua điểm số và các bài thi. Điều này đã gây áp lực rất lớn tới thế hệ học sinh ngay từ cấp tiểu học.

Dù không đề cập trực tiếp các nguyên nhân gây căng thẳng, nhưng các em học sinh tiểu học cho biết chúng thường lo lắng về kết quả học tập, các kỳ thi, không đạt được sự kỳ vọng của cha mẹ hay gia gặp vấn đề tài chính.

Theo Cơ quan quản lý y tế, từ năm 2016-2017, có 32.000 trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có khoảng 20.000 em dưới 12 tuổi. Để đối phó với các áp lực, các em học sinh đều tìm đến trò chơi điện tử, mạng internet hoặc thức ăn nhanh. Theo điều tra của St James, cách trẻ lựa chọn các phương pháp đối phó với áp lực chủ yếu vùi đầu vào các trò chơi điện tử và mạng internet, 33% cho biết tìm đến thực phẩm yêu thích trong khi chỉ có 22% lựa chọn tập thể dục và các trò chơi vận động để giải tỏa áp lực. Dù thể dục là cách thức được đánh giá là lành mạnh nhưng số trẻ lựa chọn cách này còn quá thấp. Một nửa số học sinh được khảo sát cho biết chúng không hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Trước đó, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5 cho thấy 1/3 trong tổng số 3177 người Hồng Kông từ 6-24 tuổi bị căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm.


Hải Yến
Ý kiến của bạn