Sông Mã là con sông chảy qua nhiều tỉnh phía Tây Bắc nước ta. Hệ thống sông này không chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho hầu hết diện tích đất canh tác của các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, mà còn là một hướng tiêu thoát úng cho các địa phương mà nó đi qua. Đặc biệt vùng thượng du sông này là địa bàn cư trú của phần lớn đồng các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Mông,... nên sông Mã là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất thiết yếu cho đồng bào.
Nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu bị xói lở nghiêm trọng. |
Thời gian gần đây, lợi dụng thời điểm thượng nguồn sông Mã đang cạn nước, dọc theo đường 105 thuộc quốc lộ 4G đi qua địa bàn 10 xã ven sông của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La tình hình khai thác cát bừa bãi đang xảy ra nghiêm trọng tại khu vực này.
Các khu vực thuộc xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong đến thị trấn Sông Mã, rồi ngược lên Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Mường Lầm, Chiềng En, Bó Sinh,... đâu đâu cũng thấy tàu thuyền hút cát suốt ngày đêm. Bình quân mỗi tàu hút cát dưới lòng sông lên từ 10-12m3 cát/ngày. Như vậy, chỉ tính riêng 53 tàu, thuyền hút cát trên sông Mã đã là 500- 700m3/ngày. Một lái xe chở cát cho biết, nếu bán cát vàng, cát xây tại huyện thì chỉ được giá 160.000-170.000đồng/m3, nhưng chở ra đến thành phố Sơn La được giá 230.000-250.000 đồng/m3. Chỉ tính trung bình 200.000 đồng/m3 thì mỗi ngày Nhà nước thất thu thuế khoáng sản 140 triệu đồng tiền cát ở khu vực này, vì các tàu, thuyền hút các ở đây đều không có giấy phép đăng ký khai thác khoáng sản nên không chịu nộp thuế.
Chưa hết, với chiều dài hơn 100 cây số, mà các xe tải lớn, nhỏ đi qua đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ cho người dân sống hai bên đường quốc lộ, mà ngay cả lúa, hoa màu đồng bào các dân tộc thiểu số trồng hai bên đường cũng bị bụi cát phủ dày đặc, không phát triển được.
Khai thác cát bừa bãi làm sạt lở bờ sông Mã. Ảnh: Duy Tiên - Nguyễn Duy |
Điều nguy hiểm hơn, các tàu thuyền khai thác cát này còn biến sông Mã thành con sông "rỗng ruột" gây sạt lở đất, núi hai bên bờ, khiến đời sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Cùng với việc "móc ruột" sông Mã như hiện nay, khả năng làm thay đổi dòng chảy của sông là rất lớn. Những làng bản trù phú, đông vui của bà con có nguy cơ biến thành lòng sông lúc nào không biết. Còn vùng hạ du sông luôn phải hứng chịu những đợt lũ ống, lũ quét tràn về không trở tay kịp.
Thực tế này đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng đến nay hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn. Lâm tặc phá rừng đầu nguồn, thủy tặc đục khoét lòng sông đã dẫn đến nhiều trận sạt lở đất núi và lũ quét ở khu vực thượng nguồn sông Mã trong vài năm trở lại đây. Thiết nghĩ các Bộ, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, nơi có dòng sông chảy qua cần đưa ra những giải pháp mạnh để bảo đảm nguồn lợi, ổn định cuộc sống cho đồng bào hai bên bờ sông không bị đe dọa thường trực như hiện nay.
Cảnh Dương