Cảnh báo cao nhất lũ quét ở nhiều tỉnh thành
Sáng ngày 9/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khẩn cấp đưa ra các cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 8/9 đến 8 giờ ngày 9/9), khu vực các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Bản Khoang 2 390,2 mm, Bản Khoang 362,6 mm (Lào Cai); Tân Phượng 1 449,2 mm, An Lạc 402,4 mm (Yên Bái); Nấm Dẩn 2 374 mm, Bản Péo 267,2 mm (Hà Giang); Khâu Tinh 253 mm, Trung Minh 250,6 mm (Tuyên Quang); Bình Trung 358,8 mm, Dương Phong 2 300,8 mm (Bắc Kạn); Yên Đổ 498 mm, thị trấn Cho Du 486 mm (Thái Nguyên); Tĩnh Túc 298 mm, Hồng An 291,6 mm (Cao Bằng); Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20-60mm, có nơi trên 80mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện:
Sáng ngày 9/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu thống kê đến 6h ngày 9/9, bão số 3 làm 26 người chết, mất tích (tăng 7 người chết và mất tích so với báo cáo ngày 7/9), trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người. Bão số 3 làm 247 người bị thương (tăng 61 người so với báo cáo ngày 7/9).
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…
Ứng phó sớm để phòng ngừa thiệt hại
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian gần đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khi các đợt mưa lớn diễn ra tại nhiều nơi cùng với các loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ quét đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Từ nay cho đến hết tháng 9, khu vực các tỉnh Bắc Bộ vẫn có khả năng xuất hiện một vài đợt mưa lớn diện rộng, xen kẽ là các đợt mưa rào và dông, vào tối và đêm. Tương tự như vậy ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ cũng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn, như mưa rào về đêm. Trong khoảng thời gian mưa như vậy có khả năng gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất.
"Còn xa hơn, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, theo nhận định, đánh giá của chúng tôi, hiện nay hiện tượng La Nina nhiều khả năng sẽ xuất hiện từ các tháng mùa thu 2024", ông Khiêm nói.
Điểm đáng lưu ý, La Nina xuất hiện thường gắn với hiện tượng mưa nhiều hơn so với mức bình thường. Trong khi đó, La Nina xuất hiện vào đúng mùa mưa khu vực Trung Trung bộ, do đó, với kịch bản xuất hiện La Nina như vậy, nhiều khả năng nguy cơ ở các tỉnh khu vực Trung Trung bộ, trong mùa mưa lũ năm nay, tập trung vào các tháng 9,10,11, lượng mưa sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Thực tế đối với các năm có tác động của hiện tượng La Nina trước đây cũng thường xuất hiện các đợt mưa lớn dồn dập. Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến năm 2020, dưới tác động của hiện tượng La Nina, nhiều tỉnh khu vực miền Trung trong khoảng tháng 10,11 đã trải qua các đợt tác động của mưa lớn diện rộng, kèm với đó là lũ, ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội.
Từ nay đến cuối năm, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 5-6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục lưu ý trong mùa bão năm nay, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối năm, tức là trong khoảng tháng 9,10,11. Trong đó, khu vực Trung bộ và Nam Trung bộ cần hết sức lưu ý.
Đối với khu vực Trung bộ, tác động của thiên tai thường gắn liền với nhiều hình thái khác nhau, ngoài việc chịu tác động của mưa do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nhưng do yếu tố địa hình nên mưa thường rất lớn.
Chuyên gia cảnh báo, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới, thường gây ra các hệ quả mưa, trong đó, có thể gây ra đợt mưa kéo dài nhiều ngày. "Do đó, chúng tôi hết sức nhấn mạnh, với dự báo bão, áp thấp nhiệt đới nhiều cùng với các hình thái thiên tai khác như không khí lạnh, địa hình,…thì khu vực miền Trung, đặc biệt là Trung Trung bộ có nguy cơ cao xuất hiện mưa lớn, mưa lũ dồn dập".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Siêu bão Yagi vừa qua, Biển Đông khả năng đón thêm 2 cơn bão “dồn dập” | SKĐS