Các bác sĩ cảnh báo, tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn mà không có biện pháp bảo vệ kịp thời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Mới đây, BV Da liễu Trung ương tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (20 tuổi, Hà Nội) sau chuyến đi tắm biển với làn da tấy đỏ, phồng rộp, bỏng rát, ngứa ngáy khó chịu – nhất là ở vùng mặt, cổ, cánh tay, vai. Theo lời kể, cô gái này có bôi kem chống nắng toàn thân rất kỹ và không ngờ da mình lại trở nên tồi tệ đến vậy.
BS. Hoàng Văn Tâm – Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị bỏng nắng, phải dùng thuốc bôi kết hợp đường uống để điều trị. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dịu dần, tiến tới ổn định.
Cũng theo BS. Tâm, thời điểm hè nóng nực như hiện nay, mỗi tuần, bác sĩ tiếp nhận khám cho khoảng 3-5 bệnh nhân bỏng nắng. Không chỉ các chị em mà đấng mày râu cũng gặp phải tình trạng bỏng da do nắng bởi họ rất chủ quan, ít khi bôi kem chống nắng. Các bác sĩ đã từng tiếp nhận bệnh nhân nam bỏng nắng toàn thân, chân "lỗ chỗ" những điểm cháy nắng đen sạm.
Vết bỏng nắng ở bàn chân in hằn theo vết dép tổ ong.
Chuyên gia da liễu cảnh báo, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời cũng rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10 – 15 giờ hàng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…
Tia UVA là nguyên nhân gây lão hóa da, các vết nhăn và nám trên da; còn tia UVB làm đen da, cháy nắng, ung thư da. Do đó, BS. Tâm khuyến cáo, ngoài các biện pháp chống nắng bằng mặc quần áo, đội mũ rộng vành, đeo kính chống nắng... thì người dân cần chú ý bôi kem chống nắng.
Nếu bôi đúng cách có thể hấp thụ hay phản xạ lại tia UV, do đó bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Cần lưu ý bôi kém chống nắng thường xuyên, chứ không phải bôi một lần cho cả ngày. Trong những ngày mùa hè nắng nóng, không chỉ đi ngoài đường, mà ngồi trong nhà cũng nên bôi kem chống nắng, mặc quần, áo dài, che chắn vùng da hở để giảm tác hại của tia UV cho làn da.
Cần chú ý chống nắng cho cả trẻ em. Ảnh minh họa.
Với trẻ em cũng cần lưu ý, nếu trẻ em bị cháy nắng 1 lần nghiêm trọng sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư da sau này. Vì thế, với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc dùng kem chống nắng thực hiện như người lớn. Ưu tiên sử dụng kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide và zinc oxide do ít gây kích ứng và không hấp thụ vào da.
Đối với trẻ 6 tháng, ưu tiên các phương pháp tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Khi chọn kem chống nắng cho trẻ, nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống được cả UVB và UVA, SPF từ 15 trở lên và tốt nhất là từ 30 trở lên.
Hãy ghi nhớ trẻ cần dùng kem chống nắng hàng ngày; Kể cả trời nhiều mây bởi vì 80% tia UV vẫn gây hại cho làn da. Cần chú ý cát, nước, băng tuyết gây phản xạ tia UV nên cần tăng nhu cầu sử dụng kem, đặc biệt hãy dùng kem chống nắng không bị trôi khi xuống nước để bảo vệ làn da trẻ.
"Đặc biệt, với những ngày hè đi biển, cha mẹ càng cần phải chú ý chống nắng cho trẻ. Hãy luôn ghi nhớ, bôi kem chống nắng 2 - 3 tiếng một lần, bôi đủ liều để trẻ được chống nắng tốt nhất. Không cho trẻ chạy nhảy, bơi lội vào thời điểm nắng gay gắt để phòng cháy da, cũng phòng các nguy cơ cảm nắng cho trẻ"- BS. Tâm nói.