Cảnh báo mối nguy hiểm khi dùng nhiều thuốc

28-02-2021 14:14 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, nhiều bệnh nhân đang dùng đồng thời nhiều loại thuốc và chế phẩm bổ sung. Việc dùng nhiều thuốc, cho dù là thuốc kê đơn, thuốc OTC (không kê đơn), thảo dược hoặc chế phẩm bổ sung (polypharmacy) đôi khi rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Nguyên nhân của việc dùng nhiều thuốc

Hiện nay không có định nghĩa cụ thể về việc dùng nhiều thuốc, nhưng các chuyên gia nhắc đến dùng nhiều thuốc là việc sử dụng 5 loại thuốc trở lên hàng ngày. Thuốc ở đây bao gồm thuốc kê đơn, thuốc OTC, chế phẩm bổ sung và thảo dược.

Dùng nhiều thuốc thường xảy ra ở người mắc nhiều bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, loãng xương và/hoặc các triệu chứng như đau, mất ngủ) cần điều trị lâu dài bằng thuốc. Bệnh mạn tính và triệu chứng tích lũy theo tuổi tác. Vì lý do này, người lớn tuổi có nguy cơ dùng nhiều thuốc cao hơn.

Dùng nhiều thuốc có thể xảy ra khi các loại thuốc được kê đơn mới dùng để điều trị tác dụng phụ của các loại thuốc cũ. Đây gọi là “kê toa dây chuyền”.

Dùng nhiều thuốc cùng lúc dễ gây tương tác bất lợi.

Dùng nhiều thuốc cùng lúc dễ gây tương tác bất lợi.

Hậu quả của việc dùng nhiều thuốc

Dùng nhiều thuốc làm tăng nguy cơ phản ứng bất lợi của thuốc. Càng nhiều thuốc, nguy cơ tương tác thuốc càng cao. Dùng nhiều thuốc có liên quan đến các rủi ro bao gồm giảm nhận thức, lú lẫn, té ngã, phản ứng có hại của thuốc, tăng thời gian nằm viện, tái nhập viện ngay sau khi xuất viện và thậm chí tử vong.

Bệnh nhân càng dùng nhiều thuốc càng khó có được tiền sử dùng thuốc chính xác, điều này cản trở việc xem xét và kê đơn thuốc. Tỷ lệ phản ứng có hại của thuốc tăng theo số lượng thuốc sử dụng.

Việc sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc lưu trữ thuốc hoặc dùng thuốc không chính xác. Bác sĩ lâm sàng có thể không biết những loại thuốc mà bệnh nhân của họ đang dùng, dẫn đến sai sót trong việc kê đơn, như cùng một loại thuốc có thể được kê đơn 2 lần.

Một loại thuốc có thể có tác dụng phụ khi sử dụng chung với các loại thuốc khác. Đây gọi là tương tác thuốc - thuốc. Bệnh nhân càng dùng nhiều thuốc và chế phẩm bổ sung thì nguy cơ mắc các tác dụng phụ càng cao.

Một loại thuốc được sử dụng để điều trị một bệnh hoặc triệu chứng có thể có tác động tiêu cực đến một bệnh hoặc triệu chứng khác. Đây gọi là tương tác thuốc - bệnh. Ví dụ, thuốc chống viêm thường được sử dụng làm thuốc giảm đau, có thể làm tăng huyết áp và làm suy giảm chức năng thận, do đó cần cân nhắc khi kê đơn thuốc cho những bệnh nhân có tăng huyết áp hoặc có các vấn đề về thận.

Lưu ý khi kết hợp chế phẩm bổ sung và thuốc

Sự kết hợp giữa thuốc kê đơn, thuốc OTC và chế phẩm bổ sung làm tăng thêm sự phức tạp trong điều trị. Trong nhiều trường hợp, các chế phẩm bổ sung không được coi là thuốc, do đó thường bị bỏ quên trong quá trình chăm sóc lâm sàng. Nhiều bệnh nhân đang sử dụng các chế phẩm bổ sung kết hợp với thuốc kê đơn, cũng như sự kết hợp giữa thuốc kê đơn với thuốc OTC có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng.

Ví dụ, việc kết hợp thuốc warfarin làm loãng máu với aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu (xuất huyết tiêu hóa). Tương tự, sự kết hợp của các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và suy tim với các chất bổ sung kali OTC, có thể gây ra tình trạng tăng kali máu, đe dọa tính mạng.

Làm gì khi đang dùng nhiều thuốc?

Khi đang dùng nhiều thuốc, cần có một danh sách thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, sản phẩm thảo dược và chế phẩm bổ sung; báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang dùng; hiểu tại sao phải dùng các thuốc này, những tác dụng phụ cần chú ý; trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc còn cần dùng và thuốc nào có thể ngừng dùng nếu thay đổi lối sống (chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và giảm cân); tránh đột ngột dừng thuốc và nếu có bất cứ triệu chứng khác lạ, nên báo cho bác sĩ để có cách giải quyết kịp thời.

7 bước để ngăn ngừa dùng nhiều thuốc

Bước 1: Hiểu mục tiêu điều trị

Bước 2: Xác định thuốc thiết yếu

Bước 3: Xác định thuốc “không thiết yếu”

Bước 4: Đánh giá hiệu quả điều trị

Bước 5: Đánh giá độ an toàn

Bước 6: Đánh giá hiệu quả - chi phí

Bước 7: Đánh giá độ tuân thủ của bệnh nhân.   

TS. Võ Thị Hà - Nguyễn Thanh Huyền
Ý kiến của bạn