Mặc dù cơ quan y tế cao nhất toàn cầu đã đưa ra cảnh báo như vậy nhưng tại Việt Nam, thói quen săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn còn diễn ra. Theo các chuyên gia y tế, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường cho sức khỏe và cần phải có những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt nhứng hành động này.
Thói quen “rước bệnh vào người”
BS. Nguyễn Trọng An - Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm VN (NCDs-VN) cho biết, lâu nay thói quen thích ăn thịt thú rừng, rồi săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở nhiều nơi đã trở thành vấn nạn rất nhức nhối. Thậm chí, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, giết thịt các loài ĐVHD trái phép diễn ra phổ biến, công khai đối với những loài động vật không thuộc nguy cấp.
Đó là chưa kể đến vô số những nhà hàng, quán ăn kinh doanh, buôn bán, giết thịt, chế biến món ăn từ ĐVHD mọc lên như nấm sau mưa, gắn mác “đặc sản thú rừng quý hiếm”.
Theo BS. Trọng An, thực tế đã ghi nhận có trường hợp tử vong do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD, báo chí cũng đã đưa nhiều tin bài về ca tử vong sau khi ăn thịt con Nưa (giống “Trăn 9 lỗ mũi” ở vùng núi). Hoặc trường hợp nhiều người bị mắc viêm phổi nặng phải cứu chữa sau khi ăn cua đá ở khe suối các tỉnh miền núi phía Bắc do bị nhiễm các loại như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên… Nguy hiểm là thế nhưng dường như người dân vẫn khá thờ ơ và vẫn vô tư “rước bệnh vào người” từ chính việc ăn thịt các loại ĐVHD, không rõ nguồn gốc xuất xứ này.
BS. Nguyễn Trọng An - Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm VN (NCDs-VN).
Không những thế, trong thời đại bùng nổ thông tin công nghệ như hiện nay, các vi phạm về ĐVHD trên mạng xã hội đang ngày càng gia tăng. Nhiều đối tượng lợi dụng internet để dễ dàng tiếp cận người mua, dễ dàng che giấu danh tính để quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm ĐVHD trái phép. Họ còn sản xuất các video hướng dẫn săn bắn, đặt bẫy, chế biến món ăn từ ĐVHD trên youtube và facebook. Hậu quả khiến nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng.
Cần chế tài mạnh để bảo vệ sức khỏe con người và các loài ĐVHD
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng và tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là hoạt động rửa nguồn gốc, trà trộn ĐVHD từ tự nhiên với ĐVHD gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán. Chính điều này đã tạo nguy cơ lớn cho việc phát sinh dịch bệnh nguy hiểm đối với con người.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật. Đặc biệt khung hình phạt tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quy hiếm có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 15 tỷ đồng. Những thay đổi theo hướng tăng nặng mức hình phạt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD.
Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Do vậy, để tiếp cận với các quy định về bảo vệ ĐVHD, cần phải tiếp cận nhiều văn bản luật khác nhau như Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Quản lý ngoại thương…
Trên thế giới, một số quốc gia đã cấm khẩn cấp việc buôn bán ĐVHD nhằm xóa bỏ thói quen xấu tiêu thụ ĐVHD quá mức, đồng thời bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm.
Ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng, BS. Trọng An kiến nghị cần thiết phải có những can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại ĐVHD, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các vi rút, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người. Trước mắt, cần tuân thủ các quy định pháp luật về Bảo vệ ĐVHD và Luật Đa dạng Sinh học (2008).
Hơn nữa, theo BS. Trọng An, thịt và phủ tạng ĐVHD có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Do vậy, việc chấm dứt các hành động săn bắn, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ ĐVHD là việc làm cấp bách. Ngoài ra, cần xây dựng và đảm bảo thực thi nghiêm ngặt các chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ ĐVHD. Nếu không ngăn chặn được thói quen sử dụng động vật hoang dã, thì dù khung pháp lý có chặt chẽ đến đâu cũng rất khó thực hiện.
Các chuyên gia cũng kiến nghị xây dựng Luật hoặc ban hành văn bản pháp luật bảo vệ ĐVHD đảm bảo hài hòa với Công ước Quốc tế về buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, cần thiết cộng đồng cần phải chung tay hành động. Song song với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vì sức khỏe cộng động, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm về bảo tồn và quản lý các loài hoang dã. Cùng nỗ lực để tăng cường giám sát thị trường, chấm dứt việc mua bán và tiêu thụ thịt ĐVHD và các sản phẩm làm từ ĐVHD. Trước mắt, bổ sung vào các văn bản pháp luật hiện hành các chế tài mạnh và nghiêm khắc về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng.