Đây là điều đáng ngạc nhiên khi người ta vẫn cho rằng nghèo đói và thất học mới dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh cũng như việc bất bình đẳng giới.
Theo nghiên cứu, tỷ suất giới tính khi sinh thấp nhất (105) ở nhóm 20% dân số nghèo nhất và tăng ở 3 nhóm dân cư giầu nhất (112). Đặc biệt đối với 20% dân số giầu nhất ở lần sinh thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh rất cao : 133. Tỷ lệ này còn tăng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của người mẹ: học càng cao lại càng lựa chọn sinh con trai hơn. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh thấp nhất ở nhóm phụ nữ không biết chữ (107) và tăng dần theo trình độ học vấn , lên đến 114 nhóm bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.
Theo ước tính nhân khẩu học , nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng ở tốc độ hiện nay, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông ở độ tuổi dưới 50. Điều này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu về mặt kinh tế, an ninh, văn hóa- xã hội như tuổi kết hôn sẽ sớm hơn, tỷ lệ ly hôn cao hơn, những quan ngại về bạo hành giới, nạn buôn bán phụ nữ, tệ nạn mại dâm gia tăng ... Nhằm đạt mục tiêu giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, đã có những giải pháp như quy định luật pháp, truyền thông, tư vấn...
Để hỗ trợ cho cán bộ làm công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, cán bộ y tế, những người cung cấp dịch vụ y tế trong việc tư vấn cho khách hàng, bộ Tài liệu hỏi đáp về mất cân bằng giới tính khi sinh đã được Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình kết hợp với Quỹ dân số liên hợp quốc UNFPA biên soạn. Tài liệu gồm 3 phần: Những kiến thức, thông tin cơ bản về mất cân bằng giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh; văn bản quy phạm pháp luật liên quan và đặc biệt là phần hướng dẫn thực hành với những kỹ năng cần thiết trong những tình huống tư vấn, những điều bác sỹ cần làm.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương đã đóng góp ý kiến cho bộ tài liệu cũng như kinh nghiệm của địa phương trong hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.