Cảnh báo “mất Tết” tại bến xe, nhà ga

22-01-2015 23:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... thì dịp từ khoảng ngoài 15 tháng chạp âm lịch trở ra...

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... thì dịp từ khoảng ngoài 15 tháng chạp âm lịch trở ra, ở các bến xe khách, nhà ga sẽ có một lượng người rất lớn đổ về đây để trở về quê hương sum vầy đón Tết cùng gia đình sau cả năm dài mưu sinh vất vả. Tình trạng đông đúc người, xe như nêm cối chắc chắn sẽ kéo dài tới tận ngày cuối cùng của năm luôn. Thời điểm này sẽ là cơ hội làm ăn của các nhóm lưu manh trộm cắp bởi ngoài một số người luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi xuất hiện ở những chỗ đông người và phức tạp như bến xe, nhà ga thì cũng có không ít hành khách còn lơ là, chủ quan, vì thế, bọn lưu manh bấy lâu nay vẫn luôn có “cửa sống” vào những dịp như thế này.

Sự nhốn nháo, mệt mỏi tại bến xe, nhà ga là cơ hội để trộm cắp ra tay.

Bọn lưu manh thường nắm bắt được tâm lý của những hành khách khi xuất hiện tại bến xe, nhà ga là mang rất nhiều đồ đạc, hành lý lỉnh kỉnh. Chính vì thế mà chúng trà trộn lẫn vào dòng người ùn ùn đổ về sân bến bãi, khu vực mua vé cũng như sân đỗ để chuẩn bị lên xe. Khi quan sát thấy khách không để ý là chúng ra tay cuỗm đồ đạc, tài sản của khách ngay tức thì. Nhiều người không chỉ mất các túi đồ, va li quần áo mà còn mất kèm theo cả số tiền bạc khá lớn dành dụm khi để kèm trong đó. Thực tế là có rất nhiều người chỉ vì chủ quan, chỉ vì phút lơ đễnh trong cái ngày ra bến xe, nhà ga để về quê ăn Tết đó mà đã mất luôn... cả Tết vì tiền bạc, tài sản mưu sinh nơi xứ người qua bao thời gian gom góp được bỗng nhiên “bay” mất.

Năm ngoái đây, bà cô họ tôi quê ở Sơn La xuống Hà Nội làm nghề giúp việc với lương tháng sau khi đã trừ cơm nuôi rồi là 3 triệu đồng. Suốt 1 năm ròng cô mới về nhà ăn Tết cùng con cháu và được nhà chủ trả lương một cục là 36 triệu đồng, cộng thêm một chút tiền thưởng 4 triệu đồng. Có được 40 triệu đồng cho 1 năm đi làm thuê là rất lớn so với ở nhà cuốc rẫy làm nương, vì vậy, cô tôi hân hoan với ba lô, túi xách ra bến xe về quê vào chiều ngày 25 Tết. Một túi đồ đựng bánh mứt kẹo và một túi quần áo. Cô tôi nhét số tiền vào trong một chiếc túi vải để kèm ở giữa túi quần áo đó. Lúc ở Bến xe khách Mỹ Đình, cô đặt cả 2 chiếc túi xuống đất ngay sát chỗ đứng và nghe điện thoại của con gọi. Cuộc chuyện trò với con gái chỉ chưa đầy 5  phút, vậy mà đã không thấy chiếc túi đựng quần áo cùng số tiền đâu (?!). Mặt cô tôi tái đi nhanh chóng, tự dưng khóc toáng lên vì cái túi đã mất. Một người đứng ngay sát chỗ cô tôi lúc này mới ghé tai bảo: “Tôi thấy một thằng lưu manh xăm trổ đầy mình lén xách chiếc túi của chị nhưng không dám bảo, sợ nhỡ nó... thì oan gia...”. Thế là cả một năm dài cô tôi đi làm thuê thành công cốc.

Hay như một người bạn cùng phòng với tôi quê Tuyên Quang, cũng năm ngoái, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, nhân dịp về Tết cũng bị mất chiếc điện thoại tại Bến xe Gia Lâm. Sinh viên về Tết thì chẳng lấy đâu ra tiền, may có vài gói mứt kẹo mang về làm quà là may lắm rồi, mà chỉ có mỗi cái điện thoại vài triệu gọi là tài sản quý giá. Lúc xuống xe buýt ở cửa Bến xe Gia Lâm, người bạn tôi vẫn còn gọi điện về nhà thông báo với bố mẹ là đang bắt xe về quê, vậy mà chỉ có đoạn đường khoảng 70 mét từ sân bến vào đến bãi đỗ xe, do đông quá, phải chen lấn xô đẩy mà bạn tôi bị móc mất chiếc điện thoại để ở túi quần. Bọn gian đã móc rất nghệ thuật khiến bạn tôi không hề hay biết gì, mãi đến khi lên ngồi ở trên xe rồi, sờ điện thoại không thấy mới biết mình bị kẻ gian “mổ” mất!

Còn khá nhiều những vụ khách bị mất trộm tại bến xe, nhà ga vào những dịp đông đúc như nghỉ lễ, Tết tôi đã từng tận mắt chứng kiến và từng được nghe kể  qua thông tin của bạn bè, người thân mà trong bài viết nhỏ này tôi không thể kể, nêu hết được. Đưa ra thực trạng trên với mong muốn mọi người hãy nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ khi xuất hiện tại các bến xe, nhà ga về quê để tránh mất trộm tài sản, tiền bạc.     

Nguyễn Duy Hoàng (Đại học Luật Hà Nội)

 

 


Ý kiến của bạn