Cảnh báo mắc bệnh tay chân miệng không có dấu hiệu điển hình

27-09-2014 10:49 | Thời sự

SKĐS - Bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh vừa tử vong do bệnh tay chân miệng, tuy nhiên theo nhận định của BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh của BV Nhi đồng 1) nhận định đây là một trong những trường hợp không mang những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng…

 

Bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh vừa tử vong do bệnh tay chân miệng, tuy nhiên theo nhận định của BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh của BV Nhi đồng 1) nhận định đây là một trong những trường hợp không mang những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

Trường hợp tử vong là bé gái T.B.C (8 tháng tuổi ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Sau ba ngày bị sốt, bé được gia đình đưa đến khám ở phòng mạch tư và được chẩn đoán viêm họng và viêm đường ruột. Đến ngày 20/9, bé được đưa đến khám ở BV Nhi đồng 2. Tại đây, bác sỹ kết luận bé bị viêm họng cấp nên đã kê đơn thuốc, cho về nhà điều trị và dặn người nhà theo dõi các biểu hiện của bệnh tay chân miệng; đồng thời, hẹn tái khám vào ngày 21/9. Khi về nhà, T.B.C tiếp tục bị sốt cao, tái nhợt, khó thở, hơi co giật và buổi chiều cùng ngày nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê, trụy tim mạch dẫn đến tử vong ngay trong ngày.

Trong giấy báo tử, BV Nhi đồng 1 kết luận trẻ tử vong do mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 3. Kết quả xét nghiệm trường hợp của bé âm tính với virus EV 71, loại virus tay chân miệng gây biến chứng tổn thương thân não, dễ gây ra tử vong.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng 

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng 

Qua theo dõi hồ sơ bệnh án của bệnh nhi này, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh của BV Nhi đồng 1) nhận định đây là một trong những trường hợp không mang những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng. Chính vì thế, người nhà và bác sỹ điều trị đã không nhận ra những dấu hiệu của bệnh. Với những trường hợp không điển hình của bệnh tay chân miệng, có thể nhầm lẫn với bệnh viêm họng cấp hay một số bệnh khác. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là người nhà phải theo dõi kỹ diễn biến của bệnh để kịp thời đưa trẻ nhập viện.

Cũng theo bác sỹ Khanh, giật mình là triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng không thể lẫn với những bệnh khác. Bên cạnh đó, trẻ bị cao huyết áp cộng với loét miệng cũng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng. Những triệu chứng có thể chắc chắn là trẻ bị biến chứng nặng tay chân miệng như giật mình, run tay, run chân, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, cao huyết áp, mạch nhanh, suy hô hấp… đều phải nhập viện để theo dõi.

Liên quan đến bệnh tay chân miệng, BS Trần Văn Đô - trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú- TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi bé T.B.C tử vong do mắc bệnh tay chân miệng, có hai bé ở gần nhà bé C. cũng mắc bệnh tay chân miệng, phải vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Thực tế này khiến nhiều người dân ở khu vực này lo sợ ổ dịch có thể lây lan, ảnh hưởng đến những trẻ em đang sống xung quanh đó.

Ông Trần Văn Đô cho biết đường Nguyễn Dữ gần chợ Tân Hương, đây là khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Nhà cháu bé mắc bệnh tay chân miệng bị tử vong là nơi trung chuyển heo, điều kiện vệ sinh nơi ở không tốt.

Sau khi nhận được tin có trẻ em trong phường tử vong do bệnh tay chân miệng, nhân viên trạm y tế phường đã phát hóa chất Chloramin B cho những hộ dân xung quanh để khử khuẩn, tránh tình trạng lây lan mầm bệnh.

Theo Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 6.800 ca mắc bệnh tay chân miệng; đặc biệt, khoảng 30% số ca bệnh nhập viện chủ yếu ở các quận/huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Bình Tân, Quận 8. Tại các bệnh viện, bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng theo mùa. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng biến chứng nặng. Do đó, bác sỹ và người nhà cần phải lưu ý, chú tâm hơn vào việc phát hiện các ca mắc bệnh không điển hình để cho nhập viện theo dõi điều trị kịp thời, không để biến chứng quá nặng

 

Rửa tay hàng ngày để phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác

Rửa tay hàng ngày để phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác

 

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trong mùa tựu trường. Sở Y tế giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP triển khai tháng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng từ ngày 1/9-1/10/2014. Trung tâm y tế dự phòng các quận/huyện phối hợp với Phòng giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo như: khử khuẩn hàng tuần, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, không để muỗi sinh lăng quăng sinh sôi… Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh địa phương, trọng tâm là khu vực trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.

 

 

Khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng của Bộ Y tế:

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, lây truyền theo đường tiêu hóa; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau

1. Phòng, chống dịch, bệnh bằng rửa tay với xà phòng

- Rửa tay bằng xà phòng là cách tốt nhất phòng, chống bệnh tay chân miệng. Vì sức khỏe của bạn, của gia đình và của cộng đồng, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng.

- Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, hãy rửa tay với xà phòng vào các thời điểm quan trọng: Trước khi chế biến thức ăn; Trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi làm vệ sinh cho trẻ; Sau khi chăm sóc trẻ;Rửa tay khi thấy tay bẩn.

2. Không để trẻ ăn bốc, mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.

3. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn chín, uống chín; không ăn chung thìa (muỗng), bát (chén).

4. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.

5. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

6. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Thu gom và xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp trước khi bỏ vào thùng rác, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh,v.v…

7. Khi thấy trẻ bị sốt, đau họng và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ.

Nguyễn Hoàng

 

 


Ý kiến của bạn