Ma túy “nước xoài” - hình thức ma túy mới
Mới đây Cơ quan CSĐT công an quận 5, TP.HCM vừa khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, quê An Giang để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy công an quận 5 chặn bắt khi Đạt đang chạy xe máy trên đường Hùng Vương, đoạn qua địa bàn phường 9, quận 5. Qua kiểm tra, công an thu giữ trong túi áo khoác của Đạt một gói giấy ghi dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, bên trong có một gói nylon ghi dòng chữ “Crispy Fruit Mango” chứa chất bột màu vàng nghi là ma túy. Qua giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, số chất bột màu vàng thu giữ được là ma túy ở thể rắn, thuộc loại bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 g. Theo khai nhận từ đối tượng Đạt, “Crispy Fruit Mango” loại ma túy có tên là “nước xoài”, được pha vào nước để uống, tạo ảo giác.
Thay đổi liên tục - phụ huynh khó lường
Sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng của các sản phẩm bánh kẹo chứa các chất cấm, chất gây nghiện đã khiến việc ngăn chăn các sản phẩm này xâm nhập và gây hại cho môi trường học đường gặp nhiều khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới được bổ sung vào thực phẩm ngày càng nhiều hơn, cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội. Một số sản phẩm ma túy “đội lốt vô hại” đã được phát hiện trong thời gian vừa qua có thể kể đến như:
Kẹo mút cần sa: Thành phần các loại bánh kẹo này có chứa tinh dầu cần sa, làm cho người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng.
Ma túy “tem giấy”: Là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide). Đây là chất gây ảo giác mạnh, được xem là chất ma túy nguy hiểm nhất.
Ma túy “nước vui”: Xuất xứ từ Trung Quốc, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml, trộn lẫn với các loại nước có ga theo một tỉ lệ nhất định để uống. Loại ma túy này sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài.
Nấm thần: Hình dáng không khác những loại nấm thường dùng làm thực phẩm, mới du nhập vào Việt Nam. Loài nấm này biến đổi màu sắc kỳ ảo, gây ảo giác bay bổng, cười khóc vô cớ, người trầm cảm trở nên linh hoạt khác thường.
Chocolate có chứa chiết xuất từ cần sa có thể dễ dàng tìm mua trên mạng xã hội
Theo thông tin từ công an quận 5, qua quá trình rà soát ở các quán bar, vũ trường cũng như các địa điểm nghi vấn, công an quận 5 chưa phát hiện thêm loại ma túy dưới dạng “nước xoài” này. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần cẩn thận quan sát con em mình, nếu phát hiện việc sử dụng các loại “nước xoài” này cũng như các sản phẩm ma túy mới, cần báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Sự phát triển liên tục và không ngừng của đời sống xã hội, sự du nhập của các “trào lưu thời thượng”, sự tinh vi của các đối tượng buôn bán, vận chuyển kinh doanh các sản phẩm có chứa chất cấm, đã gây nên nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm này vào đời sống học đường.
Để bảo vệ chính con em mình, các bậc phụ huynh cần chủ động quan sát, theo dõi cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức của chính con em mình về tác hại của các chất gây nghiện cũng như các sản phẩm chứa chất gây nghiện “đội lốt” bánh kẹo nơi cổng trường.
Trong y học, Bromazepam thuộc nhóm thuốc benzodiazepine. Thuốc này hoạt động bằng cách tác động lên chất hóa học trong não. Bromazepam được sử dụng để điều trị lo lắng, căng thẳng hoặc lo âu. Bromazepam cần được dùng chỉ trong thời gian ngắn, không nên sử dụng liên tục trong khoảng thời gian dài. Thuốc có thể gây nghiện và cần được chỉ định bởi bác sĩ.
Ngoài “nước xoài” vừa được phát hiện trong thời gian gần đây, trước đây một số loại “bánh kẹo có chứa các chất cấm, có thành phần từ các chất, sản phẩm gây nghiện như kẹo cần sa, chocolate chứa dầu hạt cần sa… cũng đã được các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện và xử lý.
Cần sa là một loại ma túy thảo mộc nằm trong danh mục bị cấm mua bán, sử dụng. Cần sa lại được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như chocolate, kẹo, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu... sau đó được rao bán trên mạng Internet.
Khi sử dụng thực phẩm trộn cần sa cảm nhận đầu tiên là nhịp tim nhanh, mất cảm giác thăng bằng và có dấu hiệu mơ màng, bay bổng. Sau đó là cảm giác mệt mỏi lan tỏa khắp cơ thể. Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ xuất hiện những tổn thương đối với các tế bào não, khiến hệ thần kinh bị suy nhược, rối loạn nhận thức. Mất khả năng tập trung, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí xuất hiện những ảo giác.