Ngày 4/2, thông tin từ phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên) cho biết, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân tên Hoàng Trọng Hiếu được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua là không có thật. Bệnh viện cũng không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu như giấy xác nhận tình trạng bệnh và số tiền còn thiếu để phẫu thuật.
Trước đó, trên một số Fanpage và hội nhóm mạng xã hội facebook đăng tải thông tin kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để quyên góp từ thiện. Nội dung thể hiện bệnh nhân 8 tuổi do bị té xe nên trong não có máu bầm, giờ bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp.
Thậm chí, tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy "xác nhận nằm viện" thể hiện do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp với nội dung: Bệnh nhân có tên là: Hoàng Trọng Hiếu, sinh năm 2015; Người thân là: Hoàng Công Trường. Bệnh nhân nhập viện ngày 1/2/2023, được chẩn đoán: Máu bầm trong não, hôn mê lúc nhập viện. Phương pháp điều trị: Phẫu thuật lấy máu bầm; chi phí phẫu thuật: 20 triệu đồng; đã tạm ứng: 15 triệu đồng. Cuối bài viết là số điện thoại gia đình và số tài khoản nhận ủng hộ.
"Việc ủng hộ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất tốt, mang nhiều tính nhân văn, có thể giúp người bệnh có thêm điều kiện để được chăm sóc y tế một cách tốt nhất. Tuy nhiên để lòng tốt đặt đúng chỗ, người dân và các nhà hảo tâm cần thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đến đúng người", đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên khuyến cáo.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cũng phát đi thông tin cảnh báo tình trạng mượn danh bệnh viện để lừa gạt qua mạng xã hội. Những đối tượng này liên tục đưa thông tin về các trường hợp bệnh nhân đang lâm vào cảnh ngặt nghèo, nhất là trẻ em, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy để kêu gọi quyên góp.
Nội dung bài viết thương tâm, còn đính kèm hình ảnh bệnh nhi, giấy nhập viện, giấy báo chi phí phẫu thuật, biên lai thu tiền tạm ứng và thông tin cụ thể về số tài khoản nhận tiền hỗ trợ.
Tuy nhiên qua xác minh của bệnh viện, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân được đăng tải là giả. Đồng thời, hình ảnh các hóa đơn, chứng từ trong bài viết kêu gọi quyên góp cũng không đúng sự thật.