Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW, hiện bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cảnh báo thiên tai cấp 3.
Đã có 1 người chết, 5 người bị thương và nhiều thiệt hại về tài sản
Bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đã đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc Bộ gây mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh ven biển đã có gió mạnh cấp 9-10, giật mạnh cấp 10-13, ở Hà Nội gió giật mạnh cấp 6-7. Theo thông tin cập nhật một số thông tin liên quan đến tình hình sự cố lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão số 1 đến 8h00 ngày 28/7/2016 từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão, lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối tại nhiều khu vực gặp sự cố. Trong khi đó, khu vực Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn. Tại Ninh Bình, mất điện khu vực ngoại thành, chỉ còn lại khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình.
Cây đổ đè bẹp ôtô.
Tại Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bão số 1 đổ bộ vào Thái Bình đã gây thiệt hại tương đối nặng nề. Tuy không có thiệt hại về người nhưng về sản xuất nông nghiệp, bão số 1 đã gây mưa to làm ngập nặng trên 50.000ha lúa mới cấy (chiếm trên 50% tổng diện tích toàn tỉnh), cơ bản người dân sẽ phải cấy lại. Hơn 8.000ha cây màu hè thu sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng; hơn 3.000ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị thiệt hại nặng nề; gần 100 lồng bè nuôi cá của bà con ngư dân bị trôi dạt và thiệt hại...
Mặc dù không phải địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1, tuy nhiên báo cáo của Ban Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho thấy do ảnh hưởng của bão số 1, đã xảy ra vụ đổ tường lan can, khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Trong đêm 27/7, sáng 28/7, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó 4 cây đổ vào xe ôtô; 2 cây đổ làm 5 xe môtô bị hư hỏng, 3 cây đổ chắn ngang đường sắt; 2 cột điện đổ và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố. Giao thông nhiều điểm bị sạt lở; cây xanh có tuổi thọ 50-70 tuổi cũng bị bật gốc, gãy đổ; nhà ở của người dân và nhà máy, xí nghiệp, máy móc của các doanh nghiệp bị tốc mái, hỏng hóc nặng nề (hiện chưa có thống kê cụ thể số lượng)...
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo công tác y tế tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 1
Về phía Bộ Y tế, trước diễn biến phức tạp của bão số 1, Bộ Y tế đã liên tiếp có các công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đề nghị chủ động triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1, sau bão. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành trong khu vực trên huy động các lực lượng y tế của địa phương chủ động đối phó với cơn bão số 1, sau bão; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh.
Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng núi, ven sông, suối có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống do mưa, bão gây ra. Phối hợp với các sở, ngành của địa phương hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác để chủ động đối phó với mưa, bão, lũ gây ra đối với các địa bàn trọng yếu có thể bị chia cắt dài ngày.
Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện phòng chống lụt bão và phân công các đội y tế cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để ứng phó với các tình huống khẩn cấp do mưa, bão gây ra.