Bệnh nhân suy thận đang ngày càng trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính thế giới đang có khoảng 850 triệu người có các vấn đề về bệnh lý mạn tính ở thận. Khoảng 2,5 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế như lọc máu, ghép thận.
Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
PGS.TS. Hà Phan Hải An
Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mạn tính rất dễ dẫn đến suy thận, làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế. Ngoài những đớn đau, mệt mỏi do bệnh tật gây ra hàng ngày, người bệnh suy thận còn phải đối diện với nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Một vấn đề đáng lưu ý là bệnh nhân suy thận đang ngày càng trẻ hóa, nhất là nam giới, tập trung ở người làm việc văn phòng.
Có đến trên 50% người bệnh chạy thận tử vong dưới 5 năm lọc máu và số người sống từ 10 năm trở lên chỉ chiếm khoảng 15 - 20% tổng số người chạy thận chu kỳ. Theo các chuyên gia, riêng Khoa Thận lọc máu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang quản lý hơn 160 bệnh nhân chạy thận và hơn 700 bệnh nhân sau ghép thận. Có người lâu nhất đang theo dõi ở khoa là ghép được 21 năm.
Nguyên nhân gây bệnh lý ở thận
Theo PGS.TS. Hà Phan Hải An - Phó Chủ tich Hội Tiết niệu - Thân học Việt Nam, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Y Hà Nội, thận có 4 chức năng chính: giữ cân bằng dịch trong cơ thể, các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim; loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp); giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tại thận, suy thận mạn, mà bệnh lý ở cầu thận chiếm 40%, gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống. Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính. Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn. Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
Bên cạnh đó, việc nhịn tiểu (phụ nữ hay nhịn hơn nam) cộng với cấu tạo giải phẫu của “phái đẹp”, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Ngoài ra, người bị tiểu đường, người suy thận, người phải chạy thận cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn người bình thường.
Thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học hoặc không điều trị, điều trị nhưng không tuân thủ chỉ định của bác sĩ… làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh.
Phát hiện và điều trị sớm phòng tránh bệnh thận tiến triển
Theo PGS.TS. Hà Phan Hải An cho hay suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần và mất chức năng hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.
PGS.TS. Hà Phan Hải An nhấn mạnh hiện không có biện pháp nào điều trị khỏi suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng. Người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh.
Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xương, điều trị rối loạn điện giải.
PGS.TS. Hà Phan Hải An khuyến cáo, do bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối, nên vấn đề quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận. Những người này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.
Cần làm gì để giúp vấn đề thận yếu, cải thiện chức năng thận?
Chia sẻ về vấn đề làm gì để cải thiện chức năng thận, theo PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh- Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Theo Y học cổ truyền thì thận có chức năng về sinh dục, phát dục của cơ thể và chủ thủy (lượng nước trong cơ thể) thận có nhiệm vụ cân bằng lượng nước, thận chủ cốt (xương cốt cơ thể). Thận có vai trò quan trọng trong xương cốt, thận tàng tinh (sức khỏe, tinh hoa của cơ thể). Từ quan điểm y học cổ truyền phối hợp với y học hiện đại hiện nay tạo nên cái nhìn toàn diện về vai trò chức năng của thận trong sức khỏe con người. Từ những chức năng đó nên có nhiều phương pháp phòng bệnh, điều trị để đảm bảo thận luôn khỏe mạnh.
Theo phương pháp dưỡng sinh, danh y Tuệ Tĩnh cũng đã có câu nói ngắn gọn: bế tinh, dưỡng khí, tồn thận, thanh tâm, quả dục, luyện hình (là một phương pháp phải luyện tập cơ thể hằng ngày, tùy theo tuổi mà có biện pháp tập thể dục cho phù hợp) vấn đề vận động cần có sự tư vấn phù hợp với bệnh lý từng người. Nếu không được tư vấn thì không nên luyện tập tùy tiện.
Chia sẻ về vấn đề điều trị thận yếu PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh cho rằng, với đông y thì lấy bổ thận làm chính để thận quay lại chức năng nạp khí tốt. Có nhiều bài thuốc đông y để chữa trị trong đó bài Lục vị hoàn là một trong những bổ âm rất tốt. Bài Bát vị hoàn để điều trị suy thận (tiểu đêm) đặc biệt vị thuốc nam hiện nay là ích chí nhân, hạ tích, hà thủ ô là những vị thuốc... đơn giản dễ kiếm. Ngoài ra, bổ thận cũng có thể đơn giản là dùng đỗ đen sao qua có thể dùng hằng ngày để tăng cường sức khỏe, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh nói.
Tuy nhiên theo PGS.Cảnh, khi đã mắc bệnh thận thì cần tuân thủ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa không được điều trị theo mách bảo vì ngày vấn đề bổ thận theo y học cổ truyền cũng phải có sự tư vấn chuyên môn và cần uống đúng cách, đúng liều, đúng thể tạng của từng người chứ không chỉ mấy thang thuốc là có thể bổ thận, hết bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như đã nói trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để.
Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận.
Không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu; khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu, theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Điều quan trọng là mọi người cần được trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu của bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân. Đồng thời để phát hiện bệnh sớm nhất, cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.