Hà Nội

Cảnh báo khi dùng thuốc giảm béo sibutramin

18-08-2010 08:15 | Dược
google news

Sibutramin được FDA cho dùng từ năm 1997 với điều kiện chỉ được dùng cho những người có chỉ số BMI > 30 hoặc BMI > 27 nhưng kèm theo các nguy cơ khác

Sibutramin được FDA cho dùng từ năm 1997 với điều kiện chỉ được dùng  cho những người có chỉ số  BMI > 30 hoặc  BMI > 27 nhưng kèm theo các nguy cơ khác (đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp) và chỉ dùng trong giới hạn 6 - 12 tháng. Nếu dùng đúng chỉ định, đúng liều, trong 6 tháng, sibutramin  giảm được 5 - 8% khối lượng cơ thể (so với giảm 1 - 4% nếu dùng giả dược), đồng thời cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, sau đó nếu dùng kéo dài 2 năm  vẫn có hiệu lực làm giảm cân, nhưng nếu ngừng dùng trong 6 tháng thì có sự tăng cân trở lại. Nhưng  sibutramin có gây độc cho một số cơ quan chủ yếu: Trên tim mạch (đau ngực, tim nhanh, đánh trống  ngực, giãn mạch, tăng huyết áp, hồi hộp, có cảm giác kiến bò ở đầu chi, sung huyết); Trên thần kinh (nhức nửa đầu Migraine, nhức đầu, chóng mặt, đờ dẫn, bồn chồn, lo âu, có trạng thái căng thẳng, kích động, trầm cảm, hưng - trầm cảm, dị cảm, tăng trương lực, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy, mất ngủ); Trên hệ tiêu hóa (đau bụng, chán ăn, buồn nôn, viêm dạ dày, rối loạn chức năng trực tràng, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón, đầy hơi khô miệng, rối loạn vị giác); Trên niệu - sinh dục (đau bụng kinh, nhiễm trùng niệu, viêm âm đạo, kinh nguyệt không đều hay đau, rong kinh, rối loạn cương).

Châu Âu cho dùng thuốc này từ năm 2000. Tuy nhiên năm 2009, Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu (EMEA) công bố nghiên cứu trên 9.805 người, theo dõi trong 6 năm (trong đó bao gồm số người có bệnh tim mạch) thấy: nguy cơ tim mạch của sibutramin khá nghiêm trọng (làm tăng tỷ lệ tử vong do dùng thuốc), đặc biệt khi bị lạm dụng và bị dùng quá liều. Sibutramin có hiệu lực chống béo là do làm tăng lượng serotonin, nhưng khi lạm dụng, quá liều thì sự tăng quá mức serotonin sẽ gây ra  hội chứng serotonin nguy hiểm. Vì những tác dụng phụ nguy hiểm này mà từ ngày 3/3/2001, EMEA đã quyết định thu hồi toàn bộ các biệt dược của sibutramin trên thị trường châu Âu.

Tại một số thị trường nước ngoài và thị trường trong nước vẫn còn lưu hành sibutramin. Để an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế vừa có quyết định ngừng nhập nguyên liệu, ngưng cấp số đăng ký sản xuất lần đầu và đăng ký sản xuất lại, ngưng nhập thành phẩm thuốc chống béo sibutramin, nhưng riêng với thành phẩm còn hạn dùng vẫn được phép lưu hành cho đến khi hết hạn nhưng phải ghi thêm các cảnh báo. 

DS. Hà Thủy Phước


Ý kiến của bạn