Liên quan tới bệnh lý tại răng miệng
Viêm lợi: Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm lợi là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho các mảng bám, cao răng hình thành. Các mảng bám và cao răng ở lại trên răng gây kích thích lên lợi, chân răng. Các triệu chứng khi bị viêm lợi: Lợi có màu đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm; có mảng bám răng, cao răng; lợi sưng đỏ hoặc phì đại; tổ chức chân răng lỏng; dễ chảy máu tự nhiên; miệng hôi.
Viêm nha chu: Nha chu là một tổ chức xung quanh răng, có nhiệm vụ chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Nha chu liên quan trực tiếp đến mô nâng đỡ quanh chân răng, bao gồm các bệnh của nướu và các bệnh lý phá hủy mô nâng đỡ sâu bên dưới nướu. Nha chu là nguyên nhân gây tình trạng mất răng. Đây là giai đoạn nặng của bệnh viêm lợi, thường xảy ra ở tuổi trung niên. Bệnh tiến triển âm thầm với dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là chảy máu chân răng. Ở giai đoạn nặng xuất hiện vôi đóng xung quanh chân răng, răng lung lay...
Áp xe chân răng: Áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe chân răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc răng bị thủng, vỡ cho phép vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong. Khi răng lợi liên tục đau nhói, chân răng chảy nhiều máu, người lên cơn sốt, sưng tấy vùng mặt là khi các túi áp xe trở nên trầm trọng.
Không được chủ quan khi bị chảy máu chân răng.
Liên quan đến tình trạng, bệnh lý khác
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe không liên quan đến răng miệng, chẳng hạn như:
Suy dinh dưỡng: Tình trạng chảy máu chân răng có thể do thiếu hụt chất dinh dưỡng nên cần thay đổi chế độ ăn uống hợp lý.
Thiếu vitamin C: Thiếu vitamin C cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu chân răng. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy buồn ngủ, đau xương, khó thở.
Thiếu vitamin K: Vitamin K đóng vai trò tham gia vào quá trình đông máu. Do đó, nếu cơ thể thiếu hàm lượng vitamin này cũng dẫn đến chảy máu chân răng.
Mắc sốt xuất huyết: Ở giai đoạn bệnh sốt xuất huyết tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Nghiêm trọng hơn là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não... đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
Thuốc làm chảy máu chân răng: Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, một nguyên nhân có thể gây chảy máu chân răng đó là sử dụng thuốc làm loãng máu. Thuốc làm loãng máu gây giảm khả năng đông máu nên có thể dẫn đến việc chân răng bị chảy máu.
Thay đổi nội tiết tố ở nữ: Hiện tượng thay đổi nội tiết tố thường xảy ra ở các bé gái trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc giai đoạn mãn kinh. Chính sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng.
Ung thư miệng: Chảy máu chân răng cũng có thể là dấu hiêu, triệu chứng của ung thư miệng. Tuy nhiên trong bệnh ung thư miệng ngoài chảy máu chân răng còn có thêm các triệu chứng khác như: Viêm loét khoang miệng, sưng và nổi hạch, nhai nuốt khó, miệng hôi...
Ngoài ra, theo chảy máu chân răng thường xuyên còn cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng thiếu máu, thường xuyên nhiễm trùng, xuất huyết tiểu cầu, tiểu cầu giảm, thậm chí là ung thư vú ở phụ nữ.
Cần làm gì khi chảy máu chân răng?
Ngay khi có dấu hiệu chảy máu chân răng, người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời, thích hợp. Nếu nguyên nhân do vấn đề răng miệng, cần điều trị triệt để.
Để phòng bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, để bảo vệ sức khỏe răng miệng nói chung có thể giảm thiểu tình trạng chảy máu nướu răng: Hàng năm đến nha sĩ kiểm tra răng; đánh răng đúng cách, ít nhất hai lần một ngày; dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn; ngừng hút thuốc lá...Ngoài ra, nên bổ sung trong chế độ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, canxi...