Mới đây, theo một số phụ huynh Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội), khoảng một tuần trước có 5 đối tượng là nữ mang thuốc lá điện tử đến mời gọi các em hút thử ở công viên với hứa hẹn: "Hút và rủ thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu thuốc lá điện tử và thêm 50.000 đồng".
Chia sẻ với báo chí, cô Phí Thị Phương Nga - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Yên cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ một số phụ huynh về việc con cầm thuốc lá điện tử, nhà trường lập tức phát thông báo cảnh giác.
Theo cô Nga, dù chưa có việc học sinh mang đến hay sử dụng thuốc lá điện tử trong trường, khi thấy có hiện tượng như vậy, nhà trường đã thông báo tới tất cả giáo viên chủ nhiệm các lớp và yêu cầu tuyên truyền tới phụ huynh từng lớp. "Chúng tôi đề nghị các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm nhắc nhở các con nêu cao cảnh giác. Các con không nhận đồ vật từ người lạ, nhất là đồ ăn, hút, ngửi.... Trong giờ chào cờ, chúng tôi cũng tuyên truyền để các em học sinh cảnh giác".
Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên ghi nhận các đối tượng xấu sử dụng chiêu trò để lôi kéo, dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử. Câu chuyện này lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo phụ huynh và nhà trường trong việc theo dõi và nhắc nhở con em mình cảnh giác trước các đối tượng xấu.
Để học sinh không trở thành "miếng mồi" cho tội phạm, nhà trường và gia đình phải cùng "lập rào" ngăn thuốc lá điện tử
Theo Thiếu tá Ngô Quốc Khánh thuộc Đội tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04), Công an TP.Hà Nội, việc học sinh lạm dụng thuốc lá điện tử dễ có nguy cơ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo vào mục đích xấu.
Thứ nhất, các đối tượng lôi kéo sử dụng để trục lợi, khi đã nghiện rồi thì bắt buộc phải mua tinh dầu ma túy.
Thứ hai, khi nạn nhân đã nghiện thì các đối tượng sẽ khống chế tinh thần, ép buộc tham gia vào các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thứ ba, sau khi sử dụng và gây ảo giác, các bạn nữ có thể bị lạm dụng tình dục; các bạn nam có thể bị lôi kéo vào những hành vi xấu, gây rối trật tự, đi gây án hình sự…
Thiếu tá Ngô Quốc Khánh cho rằng việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử có tác hại rất lớn, các em chưa đủ phát triển về tâm sinh lý, chưa đủ tuổi để sử dụng theo quy định của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ngoài ra, hiện nhà trường cũng đang cấm thuốc lá điện tử, việc học sinh lén lút sử dụng sẽ vi phạm nội quy, có nguy cơ bị đuổi học. Bên cạnh đó, ngoài việc khiến nạn nhân trở thành "miếng mồi" cho người khác, thuốc lá điện tử còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của các em học sinh.
Để nhận diện trẻ dùng thuốc lá điện tử, TS.BS. Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (BV Nhi TW) cho biết, trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi. Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Ngoài ra, cha mẹ lưu ý thấy những vật lạ trong nhà như thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ như mùi cam, bạc hà, chanh,… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử...
Theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, để ngăn chặn thuốc lá điện tử tiếp cận với lứa tuổi học trò, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng. Đối với gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Đối với nhà trường, cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.