Hà Nội

Cảnh báo hoạt động chiếm đoạt Telegram để lừa đảo

19-11-2024 18:09 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 19/11, Bộ Công an cảnh báo về hoạt động chiếm đoạt quyền điều khiển Telegram, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, hiện nay các đối tượng thông qua hoạt động chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài khoản.

Cụ thể, sau khi chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram, các đối tượng sẽ theo dõi các cuộc trò chuyện của nạn nhân. Khi nạn nhân trao đổi với người thân, bạn bè, đối tác liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng thì đối tượng can thiệp, thay đổi số tài khoản ngân hàng của mình thành số tài khoản nhận tiền để chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cho biết, vụ việc như trên đã xảy ra tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), trong đó nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng tài khoản Telegram đã chiếm đoạt để nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản hỏi vay tiền sau đó chiếm đoạt.

Cảnh báo hoạt động chiếm đoạt Telegram để lừa đảo- Ảnh 1.

Người dân không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, kích hoạt xác thực hai yếu tố để tăng tính bảo mật cho tài khoản mạng xã hội. Ảnh minh họa

Có trường hợp, các đối tượng sử dụng tài khoản Telegram đã chiếm đoạt để gửi tin nhắn chứa mã độc, ứng dụng độc hại đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Để có thể nhận biết và tránh trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên tìm hiểu, cập nhật, theo dõi các thông báo của các cơ quan chức năng trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường các biện pháp bảo mật để bảo vệ tài khoản mạng xã hội như: kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA); thường xuyên kiểm tra lịch sử đăng nhập; định kỳ thay đổi mật khẩu tài khoản; không chia sẻ mã OTP với bất kỳ ai; không nhấp vào các đường link lạ, không cài đặt các ứng dụng nguồn gốc không rõ ràng;

Cùng với đó, người dân không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan (căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng,…); không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, chủ tài khoản nên liên lạc đến số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác thực lại thông tin, không liên lạc trao đổi qua tài khoản mạng xã hội.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất đề được tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết. Đồng thời, cần chủ động lưu giữ các nội dung liên quan đến việc trao đổi giữa bản thân mình với đối tượng lừa đảo (tin nhắn, cuộc gọi, sao kê chuyển tiền...) để cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng.

Hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như sau:

Đối với các hành vi cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn