Bệnh nhân Đỗ Duy Bình, 55 tuổi (ở Việt Trì, Phú Thọ) nhập viện ngày 3/12/2018 trong tình trạng đau vùng ngực phải, người bệnh thấy xuất hiện ho khan khoảng 10 ngày, có đến các cơ sở y tế khác khám nhưng không tìm ra bệnh. Khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ được các bác sĩ thăm khám và phát hiện tổn thương ở đỉnh phổi phải.
Các bác sĩ tiến hành làm sinh thiết xuyên thành dưới hướng dẫn của CT mô phỏng các bác sĩ xác định người bệnh bị ung thư biểu mô không tế bào nhỏ của phổi.
Sau khi hội chẩn với các chuyên gia về ung bướu, ngày 5/1/2019 các bác sĩ của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải, nạo vét hạch chặng N1, N2.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
ThS.BS Nguyễn Văn Thư - Giám đốc trung tâm Ung bướu cho biết: Bệnh nhân đến với trung tâm khi chưa biết mình mắc ung thư phổi. Đây là một trong nhiều trường hợp trung tâm tiếp nhận trong những năm qua. Người bệnh chỉ bắt đầu đi khám khi có những biểu hiện rõ ràng của bệnh. Phần lớn người dân chưa nhận thức được việc tầm soát ung thư sớm là rất quan trọng.
Trường hợp bệnh nhân Bình phát hiện ở giai đoạn sớm còn có khả năng phẫu thuật được nhưng còn rất nhiều trường hợp khác phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng phục hồi trở lên khó khăn hơn.
Qua ca bệnh này, các bác sĩ Thư cũng khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Hiện tại, bệnh nhân đã tự thở lại, phổi thông khí tốt và người bệnh đã tự đi lại được sau 3 ngày phẫu thuật.
Hình ảnh khối u phổi sau khi được cắt bỏ.
Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ Trung tâm Ung bướu. Nhờ sự chẩn đoán chính xác bệnh và xử lý kịp thời mà tôi đã một lần thoát khỏi lưới tử thần. Tôi rất mong các bác sĩ ngày càng phát triển hơn nữa về mọi mặt để những người dân như tôi có một cuộc mới tốt đẹp hơn".
Riêng với ung thư phổi, có 2,09 triệu người mắc mới mỗi năm, trong đó 1,76 triệu trường hợp mắc đã bị tử vong
Tại Việt Nam, mỗi năm ở nước ta có 165.000 ca ung thư mới mắc và 115.000 ca tử vong. Riêng với ung thư phổi hiện đang là bệnh có số người mắc lớn thứ 2 sau ung thư gan, với gần 23.660 ca mắc mới mỗi năm và gần 20.710 ca trong số đó tử vong.
Trong giai đoạn đầu tổn thương còn khu trú, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh.
Cần cảnh giác những dấu hiệu sớm ung thư phổi như mệt mỏi, ho, đau ngực âm ỉ... thì nên đi khám ngay không nên để kéo dài quá hoặc điều trị kéo dài. Đừng đợi khi có triệu chứng nhiều rồi như ho nhiều, ho ra máu, đau ngực nhiều, khó thở, sụt cân, đau nhức xương (di căn xương), nhức đầu kèm ói (di căn não) mới đi khám thì thường đã ở giai đoạn quá trễ.
Chuyên gia đầu ngành về ung thư cũng nêu lên thực trạng nhiều người bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi thường đến các cơ sở y tế thăm khám khá muộn, có những bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị khiến cho việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.