Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, chia sẻ, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu người đang hút thuốc lá, nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà tại Việt Nam là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới gần 70% và của trẻ em là gần 50%.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói
Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú, WHO đã thống kê, trong khói thuốc có khoảng 7000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Người không hút thuốc nếu hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng tương tự như với người hút thuốc lá trực tiếp.
Đối với người lớn, hút thuốc lá thụ động có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như: viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch, ung thư phổi… Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 0,32% dung tích sống gắng sức; 1,2% thể tích thở ra gắng sức, 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.
Các chuyên gia cảnh báo khói thuốc lá gây nhiều ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ
Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp vì có cha/mẹ hút thuốc lá
Có bằng chứng khoa học cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thường nhẹ cân khi sinh; mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS); bệnh tai giữa; chức năng phổi bị suy giảm; bệnh đường hô hấp; và các triệu chứng như thở khò khè và khó thở. Cũng có những nghiên cứu cho thấy liên kết giữa việc tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá và khả năng học tập, triệu chứng tăng động giảm tập trung, hen suyễn, u lympho, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp có cha, mẹ hút thuốc lá cao hơn rất nhiều với những đứa trẻ mà bố mẹ không hút thuốc lá. Nếu cha mẹ đã và đang làm điều này hãy dừng lại vì sức khoẻ của các con.
Theo các chuyên gia hô hấp, trẻ em gia đình có người hút thuốc lá, đặc biệt là những người tiếp xúc với trẻ càng hút thuốc thì ảnh hưởng đến trẻ càng nhiều. Người ta thấy ở những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc lá nguy cơ trẻ bị đột tử ở tuổi nhũ nhi tăng, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý cơn hen cấp tăng, hen phế quản.
Bố hút thuốc lá thì khói thuốc lá con hút phải tăng nguy cơ các đợt cấp hen phế quản, tăng nguy cơ viêm tai mãn tính ở trẻ. Mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ đó tăng lên gấp đôi. Nếu cả bố và mẹ cùng hút thuốc thì nguy cơ đó còn tăng hơn nữa.
“Việc sử dụng những thông điệp bằng hình ảnh mô tả về các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng thêm hiệu quả tác động tới việc thay đổi hành vi của người hút cũng như những người không hút thuốc dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc hút đúng nơi quy định”- Bà Sandra Mullin nói