Hà Nội

Cảnh báo hen phế quản ác tính và các yếu tố thúc đẩy cơn hen

03-11-2022 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hen ác tính là cơn hen nặng, kéo dài trên 24 giờ không đáp ứng với điều trị tích cực ban đầu, người bệnh dùng các thuốc cắt cơn thông thường không đỡ, gây suy hô hấp cấp, suy tim cấp.

Biểu hiện cơn hen thường xảy ra vài ngày sau nhiễm virus, tiếp xúc dị nguyên hay yếu tố kích thích, không khí lạnh. Theo nghiên cứu, 20 năm vừa qua, tần xuất hen gia tăng do tốc độ đô thị hóa và lối sống thay đổi, có khoảng 20.000 người tử vong do bệnh hen hàng năm. Vì vậy, việc nhận biết cơn hen và các yếu tố thúc đẩy cơn hen là vô cùng quan trọng.

1. Nguyên nhân, yếu tố khởi phát cơn hen

Có nhiều nguyên nhân gây khởi phát cơn hen trong đó do nguyên nhân cơ địa, di truyền. Người ta ghi nhận thấy những người có cơ địa dị ứng hay tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản là đối tượng nguy cơ mắc bệnh.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy cơn hen trong đó thường gặp nhất là do các tác nhân dị ứng, cụ thể:

- Yếu tố dị nguyên đường hô hấp: Với người bệnh hen nếu tiếp xúc với bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…sẽ thúc đẩy cơn hen.

- Yếu tố dị nguyên thực phẩm: Người bệnh hen nếu có dị ứng với các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò…), trứng, thịt gà, lạc sẽ thúc đẩy cơn hen.

- Thuốc là yếu tố thúc đẩy cơn hen: Với người bệnh hen khi dùng thuốc phải chú ý vì một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen như thuốc aspirin, penicillin…

- Yếu tố nhiễm khuẩn: Trên thực tế nếu người bệnh hen nếu mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan ...cũng có thể thúc đẩy cơn hen.

Ngoài các yếu tố do dị ứng thì các yếu tố nguy cơ gây cơn hen bao gồm yếu tố tâm lý lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý… Hoặc đơn thuần chỉ là hít khói thuốc lá, không khí lạnh và khô… cũng khiến khởi phát cơn hen. Theo nghiên cứu, khoảng 35% bệnh nhân vào cơn hen nhập cấp cứu có tiền căn còn hút thuốc lá và chính nguyên nhân khói thuốc lá làm giảm đáp ứng với thuốc và làm khó kiểm soát hen. Như vậy có thể nói, nếu người bệnh đã được chẩn đoán hen phế quản khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể dẫn đến việc khởi phát cơn hen cấp.

Cảnh báo hen phế quản ác tính và các yếu tố thúc đẩy cơn hen - Ảnh 2.

Người bệnh phải luôn mang theo thuốc bên mình và cần sử dụng ngay thuốc cắt cơn khi có biểu hiện hen.

3. Biểu hiện cơn hen phế quản ác tính

Triệu chứng của cơn hen là những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Nếu cơn hen ác tính người bệnh có biểu hiện khó thở, tím tái, thở ngáp, nhịp thở chậm hoặc ngừng thở, tiếng rì rào phế nang và tiếng ran rít trong phổi giảm hoặc không nghe thấy. Người bệnh không thể nói chuyện, y thức lơ mơ, lú lẫn, mất ý thức, nhịp mạch chậm, không bắt được mạch, không thở khò khè và có dấu hiệu của kiệt sức cơ hô hấp.

4. Xử trí ban đầu cơn hen phế quản

Với người thân bị hen phế quản, việc người bệnh cũng như người nhà và những người bên cạnh cần nắm vững các bước sơ cứu sau:

- Bước 1: Nếu thấy người bệnh lên cơn hen cần lập tức đưa rời khỏi tác nhân khởi phát cơn hen đến nơi thoáng khí, không tập trung nhiều người quanh người bệnh.

- Bước 2: Tiếp theo cần làm ấm cơ thể người bệnh, tránh điều hòa, quạt ẩm và đỡ người bệnh ngồi dậy hoặc nằm kê cao nửa người (trên giường), giúp dễ thở hơn rất nhiều. Tuyệt đối không xoa hay vuốt ngực cho người bệnh. Trong khi người bệnh đang lên cơn hen vì điều này càng khiến khó thở, nặng ngực và tức ngực hơn.

- Bước 3: Sử dụng ngay thuốc cắt cơn hen - người bệnh phải luôn mang theo thuốc này bên mình. Nếu hen nhẹ, thường xịt hít 2 nhát/ lần, là thuốc có tác dụng, cắt cơn hen hiệu quả . Sau 20 phút, nếu cơn hen vẫn không giảm thì tiếp tục xịt thêm 2 nhát, sau đó đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

- Bước 4: Đối với cơn hen nặng biểu hiện của người bệnh khó thở, nói không hết được hết câu, thở dốc thì cần xịt hít thuốc cắt cơn và đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Bước 5: Đối với cơn hen ác tính đe doạ tính mạng với biểu hiện tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được thì cần gọi ngay xe cấp cứu gần nhất, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.

Tóm lại: Để hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn hen cấp người bệnh phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tránh các yếu tố dị nguyên gây khởi phát cơn hen. Người bệnh cần nhớ luôn luôn mang theo có bình thuốc cắt cơn khó thở dù đang ở bất cứ nơi nào. Khi cảm thấy xuất hiện cơn hen hoặc nghi ngờ cơn hen ác tính, cần phản ứng nhanh gọi hỗ trợ, cấp cứu gần nhất để được theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Lời khuyên thầy thuốc

Đây là một vấn đề trong cấp cứu, nếu người bệnh xuất hiện hen phế quản ác tính thì có thể để lại những hậu quả nặng nề. Bởi vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản, cần tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm.

Cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa... Lưu ý, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà. Cần nhớ người bệnh dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.

Bên cạnh đó người bệnh cần phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tránh lo âu, căng thẳng quá mức. Cần chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vaccin phòng COVID-19 và tái khám định kỳ để được tư vấn điều trị dự phòng phù hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Làm việc căng thẳng thời gian dài tăng nguy cơ trầm cảm



BS Nguyễn Ngọc
Ý kiến của bạn