Không được buông lỏng giám sát
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm. Mới đây nhất, ngày 16/5, thông tin từ chính quyền xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh lớp 1 tử vong thương tâm.
Theo đó, cuối giờ chiều ngày 15/5, hai em Hoàng Phi Bảo (7 tuổi, trú ở xã Nam Lĩnh) và Nguyễn Hữu Nam (7 tuổi, trú ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn; là anh em họ với nhau) rủ nhau ra đập Khe Đình (thuộc xóm 8, xã Nam Xuân) để câu cá. Mãi đến giờ cơm tối, người thân không thấy các em đâu mới cùng nhau đi tìm nhưng không có kết quả. Khi đến khu vực bờ đập Khe Đình, người thân hoảng hốt phát hiện 2 đôi dép, áo, mũ, cần cầu và 1 chiếc giỏ xe đựng cá để lại trên bờ.
Nghi có chuyện chẳng lành, người thân đã thuê thợ lặn cùng nhiều dụng cụ tìm kiếm hai em. Sau hơn 4 giờ nỗ lực tìm kiếm, thi thể của Nam và Bảo đã được tìm thấy cách hiện trường chừng 100m. Sáng cùng ngày, cả hai em đã được người thân mai táng theo phong tục địa phương.
Trước đó, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tiểu học tử vong. 3 em học sinh trong đó có 2 anh em ruột là Nguyễn Anh Khôi (8 tuổi, học sinh lớp 3A3), Nguyễn Đăng Khôi (6 tuổi, học sinh lớp 1A1 Trường tiểu học số 1 thị trấn Phú Túc) và Hoàng Công Huân (7 tuổi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) rủ nhau ra hồ nước của gia đình em Huân câu cá.
Vì trời nắng nóng nên các em đã xuống ao tắm, nhưng cả 3 em đều không biết bơi nên đã đuối nước và tử vong.
Một số người dân trực tiếp tham gia cứu nạn cho biết sau khi nghe tiếng tri hô, nhiều người đã đến hồ nước và nhảy xuống tìm kiếm 3 em học sinh. Khi vớt được các nạn nhân, dù đã nỗ lực sơ cứu nhưng cả ba em đều đã tử vong trước đó.
Cần giám sát trẻ em khi bơi để phòng đuối nước.
Tăng cường dạy kỹ năng bơi lội an toàn
Theo phân tích trong các báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước. Do thiếu sự giám sát của người lớn khi các em sống trong môi trường thiếu an toàn, do thiên tai bão lũ và do một vài nguyên nhân khác như chưa thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông đường thủy…..
Các chuyên gia cho rằng việc dạy bơi là không đủ để phòng, chống đuối nước cho trẻ em và cần phải tăng cường dạy thêm các kỹ năng bơi lội an toàn. Bơi lội an toàn nghĩa là sao? Nghĩa là chỉ được bơi lội khi có vật dụng cứu hộ (phao cứu sinh, áo phao...), người giám sát ở trên bờ. Trước khi bơi phải quan sát chung quanh, biết đánh giá phân biệt luồng nước có sự khác thường. Biết cách cứu hộ, gọi cứu hộ hoặc tự nổi dưới nước chờ cứu hộ….
Học bơi, dạy bơi là những kỹ năng. Nhưng phải giúp trẻ áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng.
Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… lém xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
- Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Với trẻ nhỏ:
- Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
- Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.