Tự tử vì những chuyện vụn vặt
Đầu tháng 5/2015, một nữ sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản ở Cà Mau cũng uống thuốc tự tử sau khi nghe tin bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm.
Ngày 6/10/2015, ở TP. Lạng Sơn, một học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An đã nhảy cầu tự vẫn vì bố mẹ mắng khi em điểm 2 môn toán.
Gần đây nhất là sáng ngày 28/11/2015, ngay sau giờ tan học, một nam sinh lớp 9 trường THCS Lý Tự Trọng ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã nhảy từ lầu 2 xuống sân trường sau khi nghe mẹ mắng trước mặt các bạn.
Thật đáng thương tâm cho các bậc cha mẹ, người thân phải chứng kiến con em mình tự hủy hoại mạng sống khi tương lai còn rất dài phía trước.
Bức thư tuyệt mệnh và vỏ hộp thuốc mà bạn trẻ để lại sau khi tự tử.
Người lớn không vô can
Nghiên cứu nguyên nhân tự tử ở thanh thiếu niên thường cho thấy những yếu tố như di truyền, sinh hóa, các bệnh cơ thể trầm trọng hay các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, lạm dụng rượu...
Còn một nguyên nhân đáng chú ý, theo các chuyên gia, lứa tuổi thanh thiếu niên thường gặp giai đoạn “khủng hoảng” tuổi dậy thì, có những sự thay đổi lớn về mặt thể chất cũng như tâm sinh lý. Bên cạnh sự phát triển về mặt tư duy và các mối quan hệ xã hội, thanh thiếu niên bộc lộ mong muốn được khẳng định bản thân, sự độc lập trong quan điểm, suy nghĩ về cuộc sống.
Nhiều tranh luận gay gắt trong cuộc sống đã diễn ra giữa bố mẹ và con cái khiến một số em biểu lộ sự bốc đồng, nóng nảy, dễ bị kích động không thể kiềm chế bản thân, số khác lại biểu lộ quá mức sự buồn bã, tự ti dẫn tới thất vọng về bản thân mà mất định hướng ở tương lai.
Theo các cuộc điều tra và nghiên cứu thì phần lớn các vụ tự tử của thanh thiếu niên là do bị kỷ luật, mất thể diện với bạn bè, tranh luận với bố mẹ, bố mẹ ly hôn, hay áp lực học tập quá lớn... Có thể dưới con mắt của người lớn, bị điểm kém hay bị trách mắng chỉ là bình thường nhưng các em cho rằng lòng tự tôn của mình bị “chà đạp” hay tự dằn vặt mình, cho rằng mình kém cỏi, thua kém chúng bạn. Ý nghĩa của hành vi tự tử lúc này là chạy trốn hiện thực, không muốn đối diện với xung quanh.
Thay lời kết
Đa số các vụ tự tử ở thanh thiếu niên có thể đề phòng được với cách xử sự tế nhị, khéo léo cũng như sự theo dõi sát sao, kịp thời của gia đình và nhà trường.
Cha mẹ nên tạo một bầu không khí vui vẻ, ấm áp trong gia đình. Cần nhận biết sớm các hành vi khác lạ tiềm ẩn ý tưởng tự sát hay kế hoạch tự sát. Người thân, đặc biệt là cha mẹ có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần của thanh thiếu niên trước những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống.
Về phía nhà trường, bên cạnh việc răn đe hay kỷ luật, chúng ta nên động viên, khích lệ để các em khắc phục và sửa chữa. Điều này sẽ giúp tinh thần của thanh thiếu niên lạc quan và tin tưởng hơn vào cuộc sống.
Cuối cùng, xin được nhắn nhủ tới các bạn trẻ khi đang phải đối mặt với khó khăn: Trong cuộc sống, mỗi con người đều có những nỗi buồn, khó khăn riêng nhưng sẽ luôn có cách giải quyết để vượt qua. Trước hết cần khắc ghi sự quý giá của cuộc sống, hãy trân trọng và phấn đấu hết sức mình để không phải nuối tiếc.