Vào mỗi dịp cuối năm, công tác đấu tranh chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được cơ quan công an cùng các đơn vị chức năng tích cực triển khai, mở những đợt cao điểm và ít nhiều đạt được những kết quả. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn với thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, vào các tháng cuối năm luôn là thời điểm tình trạng buôn lậu hoành hành.
Lực lượng chức năng triệt phá một vụ buôn lậu.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao, đây cũng là thời điểm mà các đối tượng lợi dụng tiêu thụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Theo đó, hàng loạt những thủ đoạn tinh vi, mánh khóe được các đối tượng buôn lậu tận dụng triệt để như thuê người trực tiếp sang nhận hàng, mang, vác, cõng bộ qua đường mòn, đường đồi núi hoặc dùng xe môtô vận chuyển số lượng nhỏ theo các đường ngang, ngõ tắt về Việt Nam, sau đó vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng vào ban đêm, ngày nghỉ; giờ nghỉ của cơ quan chức năng, cử người đeo bám, theo dõi, thấy an toàn mới vận chuyển hàng. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng lập chốt chặn 24/24h tại các điểm nóng để đấu tranh với tội phạm, thì lập tức các đối tượng lại chuyển sang đường mòn khác. Thậm chí, khi cơ quan chức năng tiến hành bắt bất ngờ thì các đối tượng tháo thân, bỏ của chạy lấy người hoặc chống trả quyết liệt.
Mới đây, ngày 20/11, Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự Quản lý kinh tế và chức vụ, công an TP. Hà Nội vừa phát hiện, bắt giữ 2 xe tải chở hơn 20 tấn hàng lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chiếc ôtô tải do Đỗ Xuân Đức (SN 1971) điều khiển từ Quảng Ninh về Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trên xe vận chuyển 217 bao, kiện hàng có trọng lượng 8 tấn do nước ngoài sản xuất gồm hơn 15.000 sản phẩm quần áo các loại, 14.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 470 thiết bị vệ sinh, 1.540 sản phẩm giày, thắt lưng; 5 chiếc xe đạp thể thao và trên 2.000 sản phẩm gia dụng các loại. Trước đó, ngày 16/11, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng phát hiện một ôtô tải đang vận chuyển 238 bao tải trọng lượng hơn 9 tấn hàng gồm hơn 24.000 sản phẩm giày dép các loại, 633 sản phẩm gia dụng, 200 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 800 sản phẩm quần áo các loại. Tất cả số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá 2 lô hàng trên gần 1 tỷ đồng.
Đánh mạnh, đánh trúng vào các “điểm nóng” buôn lậu
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), qua công tác kiểm tra của các đoàn cũng như các tổ kiểm tra bí mật cho thấy, mặc dù các ngành, các lực lượng đã rất quyết liệt đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ nhưng thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp trên tuyến đường bộ, đường sắt. Các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả có thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng bằng mọi cách. Nguy hiểm hơn là hầu hết hàng hóa Trung Quốc nguyên đai, nguyên kiện, mang từ bên kia biên giới về Việt Nam nhưng lại đội lốt hàng Việt, mạo nhãn mác “made in Việt Nam”, có cả giấy bảo hành, dấu hàng Việt Nam chất lượng cao in trên bao bì. Nguyên nhân của thực trạng trên có phần do lực lượng phối hợp chưa chặt chẽ ở các tuyến, một số địa phương chưa coi trọng công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, phân công trách nhiệm, đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để chống hàng lậu, gian lận thương mại hiệu quả. Các ngành liên quan, các đơn vị chức năng phải có chuyên án, chuyên đề đánh mạnh, đánh trúng vào các địa bàn nóng, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm; mở đợt cao điểm chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng từ nay đến Tết Nguyên đán 2015; chỉ đạo điều tra làm rõ, truy tố, xét xử nghiêm các cá nhân, đơn vị để xảy ra buôn lậu, công khai hóa trên các phương tiện thông tin để làm gương, tránh tiêu cực xảy ra...
Đề cập đến công tác gian lận thương mại và chống buôn lậu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải thống nhất lại lực lượng chủ công, trong đó trung tâm là lực lượng quản lý thị trường thì mới triển khai thành công. Đặc biệt, lực lượng này phải trong sạch, hiện tượng tiếp tay, thông đồng khá nhiều. Muốn chống buôn lậu phải thực hiện mạnh các giải pháp để đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại...
Anh Nguyên