Tại lễ phát động hoạt động hưởng ứng Ngày phòng, chống tăng huyết áp (THA) thế giới (17/5) do Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức ngày 14/5, tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, BS Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhấn mạnh, THA là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến ở cộng đồng, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.
THA gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, cách mạch máu lớn… như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, phù giai mắt gây giảm thị lực, suy thận, tắc mạch não, phình tắc động mạch chủ…
Hiện nay bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm đến hơn 70% số ca tử vong do bệnh tật. Trong đó, có các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn...
"Trong bệnh tim mạch thì THA là bệnh phổ biến và có sự gia tăng về số lượng, ngày càng trẻ hoá. Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp ở độ tuổi thanh niên"- BS Việt cho biết
Chia sẻ thêm thông tin, BS Trần Thị Linh Tú, Trưởng phòng khám đa khoa (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch, nhiều gấp bốn lần tổng số người chết do HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi cộng lại. Trong đó, người bệnh tư vong vì THA và biến chứng của THA là hơn bảy triệu người.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Chương trình phòng, chống THA quốc gia, cả nước có hơn 11 triệu người trưởng thành mắc THA.
Người dân được khám sàng lọc, tư vấn điều trị tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.
“Thực tế cho thấy có tới 51,6% số người bị THA không biết mình bị bệnh; 33,9% số người bị THA chưa được điều trị; 63,7% số người được điều trị THA nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu”- BS Linh nói.
Trước tình hình bệnh THA ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rõ rệt, từ năm 2005, Hiệp hội THA thế giới phối hợp Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 17/5 hằng năm là Ngày phòng, chống THA thế giới (World Hypertension Day). Mục tiêu là để tạo ra một phong trào mạnh mẽ trên toàn thế giới trong việc nhận thức, phòng chống THA và các biến chứng nguy hiểm.
“Người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt, điều chỉnh lối sống sẽ giảm các biến cố tim mạch”, bác sĩ Trần Thị Linh Tú khuyến cáo.
Theo đó, mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, như: hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (chất béo động vật), các thức ăn có chứa nhiều chất bột đường, thịt đỏ hay thức ăn chế biến sẵn; nên tăng cường rau xanh, hoa quả trong các khẩu phần ăn hằng ngày; giảm lượng muối ăn hằng ngày (tốt nhất là sử dụng ít hơn 5g muối/ngày).
Thay đổi lối sống theo hướng có lợi, những tăng cường vận động, luyện tập thể dục, thể thao; từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe (không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu, bia), tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.
“Mỗi người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh, thường xuyên đo huyết áp và kiểm soát chỉ số huyết áp”- BS Linh khuyến cáo
Dịp này, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Tây Hồ tổ chức khám sàng lọc, tư vấn điều trị tăng huyết áp cho khoảng 500 người dân trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.
Trước đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tổ chức hội thảo chuyên môn “Cập nhật chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch” các y bác sĩ bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Hà Nội