Khác với giả thiết cho rằng virút Ebola không lây lan qua đường không khí như SARS, nhưng theo nghiên cứu của ĐH Minnesota Mỹ (UOM) vừa công bố hôm 12/9 thì giống như các loài virút khác, Ebola có thể đột biến và lan truyền qua đường không khí, gây nguy hiểm hơn những gì giả định.
Nguy cơ đột biến sẽ trở thành thành mối hiểm họa “đích thực”?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 12/9 vừa qua số ca tử vong vì Ebola đã lên tới 2.300 người, riêng Tây Phi chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây đã có tới 4.300 ca nhiễm bệnh, kể cả tử vong. Dự kiến, sẽ có khoảng 15 quốc gia bị ảnh hưởng và trên 22 triệu người nằm trong “tầm ngắm” của Ebola.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Michael Osterholm ở UOM đứng đầu hiện đang thực hiện nghiên cứu tiềm năng, phát hiện thấy virút Ebola đang có chiều hướng biến đổi, tái tạo cấu trúc nguyên thủy. Bằng chứng, virút xuất hiện hồi tháng 2/2014 ở Guinea đã khác xa với chủng hiện đang xuất hiện tại các quốc gia như Nigeria, Congo và Cameroon. Cơ chế biến đổi của Ebola cũng giống như hầu hết các loài virút khác, như virút cúm H1N1 xuất hiện năm 2009.
Năm 2012, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh động vật Quốc gia, Đại học Manitoba, và Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada đã nghiên cứu về nguy cơ lan truyền Ebola từ lợn sang con khỉ. Phát hiện thấy, virút có thể lây truyền qua hệ thống hô hấp của loài lợn và khỉ, cả hai loài này đều có cấu trúc phổi giống như con người. Điều này, nếu quả đúng như vậy thì mối hiểm họa của Ebola còn lớn hơn những gì con người đã biết. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã nhốt 4 con lợn con chung phòng với 4 con khỉ đuôi dài, trong đó có 2 nhiễm bệnh, nhưng nhốt riêng từng lồng chứ không cho tiếp xúc trực tiếp giữa các loài. Chỉ trong vài ngày, những con lợn đã bị nhiễm Ebola từ khỉ qua đường hô hấp, bằng chứng nhiệt độ cơ thể tăng vọt, nhưng sau 9 ngày, 4 con lợn đều phục hồi. Còn ở khỉ, 8 ngày sau khi tiếp xúc, 2 trong số 4 con khỉ còn lại bắt đầu nhiễm trùng Ebola, có thể là do bị nhiễm từ những con khỉ đã mầm bệnh.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới tham gia phòng chống dịch Ebola tại Monrovia, Liberia
Trước đây người ta mới chỉ tình nghi Ebola truyền qua con đường tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là tiết dịch cơ thể, như máu, mồ hôi, đờm dãi.., nhưng giờ đây nó đã biến đổi nên nguy cơ lan truyền qua con đường không khí là điều khó tránh. Và do đột biến nên virút Ebola cần phải phát triển thêm một hệ thống mới để giúp chúng bám vào các thụ thể có trong hệ thống hô hấp của con người. Cũng phải nói thêm rằng, sự khác biệt của đợt bùng phát dịch Ebola lần này có tần suất, cường độ nhanh hơn so với các lần dịch bùng phát trước đây, đặc biệt là trong các cơ sở y tế và có mức độ tử vong lên tới 90%.
Khuyến cáo về phòng tránh của CDC và WHO
Do chưa có các liệu pháp và vắc-xin chính thức dùng để phòng ngừa và chữa trị Ebola nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng công tác phòng ngừa đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh virus đột biến, lan truyền qua đường không khí.
Khuyến cáo của WHO:
- Những người chăm sóc bệnh nhân Ebola nên mang áo không thấm nước và găng tay.
- Nên bảo vệ khuôn mặt như dùng kính hoặc mặt nạ y tế để ngăn chặn nguy cơ lây nhiểm qua đường mắt, mũi và miệng.
- Cần được trang bị mặt nạ khi phẫu thuật để ngăn ngừa dịch lây lan truyền từ bệnh nhân, khi nói chuyện, hắt hơi, hoặc ho.
- Bác sĩ không thể bỏ qua các trường hợp từ vùng có dịch trở về, nhất là những người bị sốt.
- Những bệnh nhân từ vùng Tây Phi trở về cần được sàng lọc và xét nghiệm, nếu có dấu hiệu mắc bệnh cần phải cách ly, theo dõi và điều trị
Khuyến cáo của CDC:
- Thực hành vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng kháng khuẩn.
- Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bất kỳ người nào, đặc biệt là những người mắc bệnh.
- Không được xử lý, sử dụng dụng cụ đã tiếp xúc với các chất lỏng máu, tiết dịch cơ thể của người bệnh nếu chưa được tẩy trùng.
- Không được chạm vào cơ thể của một người bị tử vong vì Ebola.
- Tuyệt đối không được tiếp xúc với dơi và động vật linh trưởng phi con người hoặc các chất tiết dịch từ cơ thể của chúng tiết ra. Tránh ăn thịt những con vật này.
- Nếu phải đến bệnh viện, tránh đến những nơi bệnh nhân Ebola đang được điều trị.
- Tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt, nếu bị sốt lên tới 38,60C, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, hoặc bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Do virút Ebola truyền qua con đường tiếp xúc giữa người với người, nên hạn chế giao tiếp với người mắc bệnh. Nếu đã tiếp xúc, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.
Để ngăn chặn nguy cơ Ebola lan truyền qua đường không khí, Đại học Vệ sinh y học Nhiệt đới London Anh (LSHT) khuyến cáo cần phải khống chế dịch, áp dụng các biện pháp khống chế dịch đã được áp dụng thành công trong quá khứ, đặc biệt cách ly ngay những người mắc bệnh đưa vào điều trị, nhân viên y tế cần được bảo vệ ở mức cao nhất. Phát hiện nhanh những nguy cơ tiềm ẩn gây lan truyền dịch, ví dụ kiểm tra thân nhiệt đối với nhóm người trong vùng có dịch trở về, với tần suất 2 lần/ngày, nếu trong 21 ngày bị sốt cần đưa vào viện ngay và cuối cùng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu mối nguy hiểm của dịch, nhất là khi nó đột biến, lan truyền qua đường không khí.
Khắc Nam (Theo DM/Buzzle-9/2014)