Cảnh báo dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú

02-05-2017 06:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ có thể buộc phải dùng thuốc. Việc dùng thuốc điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn phụ thuộc việc mắc bệnh cấp tính hay mạn tính.

Trong thời kỳ cho con bú, người mẹ có thể buộc phải dùng thuốc. Việc dùng thuốc điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn phụ thuộc việc mắc bệnh cấp tính hay mạn tính. Trong quá trình dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ hoặc sự bài tiết sữa. Dưới đây là các lưu ý dùng thuốc cần biết khi đang nuôi con bú.

Vì sao phụ nữ nuôi con bú cần thận trọng khi dùng thuốc?

Nếu phụ nữ đang cho con bú mà buộc phải dùng thuốc thì trẻ bú sữa mẹ sẽ vô tình phải dùng thuốc đó do thuốc thải trừ qua sữa. Điều này có thể gây hại cho trẻ bởi vì khi trẻ mới sinh, chức năng của các cơ quan chuyển hóa và thải trừ thuốc như gan, thận chưa hoàn thiện. Vì vậy, bác sĩ thường đưa ra một số lời khuyên cho phụ nữ nên ngừng cho con bú hoặc tránh sử dụng thuốc do lo ngại về tác dụng bất lợi có thể xảy ra đối với trẻ. Khi sử dụng thuốc cho đối tượng phụ nữ cho con bú, thầy thuốc sẽ đánh giá nguy cơ và lợi ích khi dùng thuốc giúp đạt được mục tiêu điều trị bệnh cho mẹ và hạn chế tối đa ảnh hưởng của thuốc lên trẻ.

Có nhiều yếu tố cần cân nhắc như ảnh hưởng của thuốc lên sự tiết sữa của mẹ, lượng thuốc thải trừ qua sữa, mức độ hấp thu qua đường uống của trẻ, tác động có hại có thể xảy ra đối với trẻ. Tuổi của trẻ cũng là một yếu tố quan trọng cần lưu tâm do các biến cố bất lợi liên quan đến dùng thuốc qua sữa mẹ xảy ra đa phần ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.Phụ nữ cho con bú khi dùng thuốc cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Phụ nữ cho con bú khi dùng thuốc cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Sự vận chuyển của thuốc qua sữa mẹ

Thải trừ qua sữa mẹ là một trong những con đường thải trừ thuốc trong cơ thể. Thuốc bài tiết vào sữa chủ yếu nhờ quá trình khuếch tán thụ động qua những lỗ trên màng biểu mô tuyến vú, ngoài ra, thuốc còn được vận chuyển tích cực nhờ chất mang. Do đó, các thuốc có phân tử lượng nhỏ dễ khuếch tán vào sữa hơn, các thuốc có phân tử lượng lớn như heparin vào sữa không đáng kể. Thành phần của sữa bao gồm nước, lipid, protein, lactose... Sữa có thành phần lipid nhiều hơn, protein ít hơn và pH thấp hơn so với huyết tương. Các thuốc tan trong lipid dễ hòa tan vào thành phần lipid trong sữa, do đó tăng mức độ và tốc độ bài tiết vào sữa. Các thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương như wafarin sẽ bị giữ lại trong máu và có nồng độ thấp trong sữa.

Các thuốc ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa

Việc bài tiết sữa được điều hòa bằng prolactin, một hormon được bài xuất bởi thùy trước tuyến yên. Bài tiết sữa tăng hay giảm phụ thuộc vào nồng độ prolactin trong máu. Do đó cần lưu ý khi sử dụng các thuốc làm thay đổi nồng độ prolactin. Một số thuốc làm giảm tiết sữa điển hình là estrogen. Mặc dù estrogen vào sữa rất ít nhưng lại ức chế thụ thể prolactin ở giai đoạn sớm làm giảm bài tiết sữa. Vì vậy, phụ nữ cho con bú không nên dùng thuốc tránh thai chứa estrogen. Ngoài ra, một số thuốc kìm hãm bài tiết sữa như thuốc có hoạt tính dopamin (nhóm dẫn chất ergotamin như bromocriptin, cabergolin, lisurid, methylergometrin, oergilid, quinadolid), nhóm thuốc lợi tiểu thiazid và các chất đối kháng serotonin (ví dụ cyproheptadin), prostagladin, amphetamin, rượu, opiod. Trái lại, metoclopramid và domperidon lại là những thuốc được sử dụng trong lâm sàng với tác dụng tăng bài tiết sữa, có thể được chỉ định cho những bà mẹ của trẻ đẻ thiếu tháng, trẻ ốm yếu.

Những thuốc tránh dùng

Các thuốc hạn chế dùng: Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các bà mẹ đang nuôi con bú nên tránh dùng một số loại thuốc hoặc chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Những loại thuốc này bao gồm aspirin, thuốc hạ huyết áp và thuốc chống động kinh. Việc sử dụng các loại thuốc này nên thảo luận với bác sĩ sản khoa cũng như bác sĩ nhi khoa.

Các thuốc không dùng: AAP cảnh báo các loại thuốc không nên dùng bao gồm các hóa chất trị liệu và thuốc gây ức chế miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Người mẹ sử dụng amphetamin, cocain, heroin, cần sa hoặc thuốc gây mê trong khi cho con bú có thể gây hại cho trẻ như biểu hiện trẻ dễ cáu kỉnh, run, động kinh, nôn mửa, chán bú mẹ và ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ. Người mẹ cũng nên tránh việc sử dụng rượu, hút thuốc lá và dùng các sản phẩm chứa caffeine.

Ngoài ra, một số thuốc có thể gây ra thay đổi mùi vị của sữa, làm cho trẻ chán bú hơn khi mẹ dùng thuốc, ví dụ metronidazol có thể gây vị đắng cho sữa mẹ, do đó một số chuyên gia cho rằng nên ngừng cho trẻ bú mẹ từ 12 - 24 giờ sau khi dùng liều đơn metronidazol. Các trường hợp dùng metronidazol tại chỗ hay viên đặt âm đạo hầu như không ảnh hưởng đến trẻ.

Các nguyên tắc cần tuân thủ

Hạn chế tối đa việc dùng thuốc, khi dùng thuốc phải được sự đồng ý của bác sĩ, dược sĩ tư vấn sau khi cân nhắc lợi ích/nguy cơ cho cả mẹ và bé. Không tự ý dùng thuốc kể cả những thuốc không cần kê đơn.

Các bác sĩ, dược sĩ nên đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc, đặc biệt lưu ý những thuốc được phép sử dụng trên phụ nữ cho con bú. Tìm hiểu các nghiên cứu lâm sàng của thuốc đối với phụ nữ cho con bú. Ưu tiên dùng các thuốc tác dụng tại chỗ như dạng bôi, dạng xịt, dạng đặt. Nhìn chung, những thuốc an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì cũng an toàn khi dùng cho phụ nữ cho con bú. Các thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ có thai chưa hẳn an toàn khi dùng cho phụ nữ cho con bú.

Chọn thuốc an toàn cho trẻ, thuốc có tỉ lệ nồng độ sữa/huyết tương thấp, thải trừ nhanh. Tránh dùng thuốc liều cao, nên dùng trong thời gian ngắn nhất và ngừng ngay khi đạt hiệu quả.

Thời điểm dùng thuốc nên chọn ngay sau khi cho trẻ bú xong hoặc trước khi trẻ ngủ giấc dài. Lưu ý thời gian bán thải của thuốc, tránh cho trẻ bú sữa mẹ khi nồng độ thuốc trong máu đạt tối đa, tính toán thời gian mỗi lần uống thuốc và khoảng thời gian trẻ bú mẹ nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc vào trẻ.

Nếu không được phép cho trẻ bú mẹ, cần vắt sữa bỏ đi và dùng sữa ngoài thay thế. Sau khi ngừng thuốc cần chờ thêm thời gian thích hợp theo hướng dẫn của thầy thuốc rồi mới cho trẻ bú lại.

Ngoài ra, phụ nữ cho con bú nên bổ sung hỗn hợp vitamin và dùng 1.200-1.500mg calci hàng ngày.

Các trường hợp mẹ tạm thời ngừng cho con bú

Mẹ nhiễm HIV và đang sử dụng các thuốc antiretroviral (antiretroviral là loại thuốc được sử dụng để kéo dài cuộc sống của những người bị lây nhiễm HIV, đồng thời cũng có hiệu quả cao trong việc hạn chế sự lây truyền của loại virut này).

Mẹ sử dụng hay phụ thuộc vào các thuốc gây nghiện, thuốc cấm dùng.

Mẹ sử dụng hóa chất điều trị ung thư, đang điều trị bằng xạ trị.

Mẹ sử dụng thuốc phóng xạ, thuốc cản quang chứa iod, thuốc long đờm chứa iod, thuốc tiệt khuẩn chứa iod phổ rộng, sử dụng phối hợp vài thuốc chống động kinh và thuốc hướng thần.

Trong các trường hợp này, việc ngừng cho trẻ bú là điều cần thiết. Thay vào đó, có thể cho trẻ dùng sữa ngoài và vắt bỏ sữa mẹ thường xuyên.

DS. Lê Thị Thùy Dung
Ý kiến của bạn