Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thuốc dược liệu này có chứa thành phần paracetamol.
Tại sao lại trộn tân dược vào Đông dược?
Trong điều trị bệnh mạn tính, thế mạnh của tân dược là tác dụng nhanh, thậm chí một số thuốc có tác dụng tức thì, nhưng tác dụng lại ngắn, chủ yếu điều trị triệu chứng và lại có nhiều tác dụng phụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (như sốc phản vệ...). Người mắc bệnh mạn tính, ngoài thuốc tân dược, nhiều người có xu hướng tìm đến thuốc đông dược để trị bệnh hoặc bồi dưỡng sức khỏe... với hy vọng là an toàn, tác dụng lâu dài, ít bị nhờn thuốc, ít hoặc không có tác dụng phụ...
Đối với thuốc Đông y thường là ngấm từ từ, tác dụng chậm, có khi phải mất nhiều tuần, nhiều tháng mới thấy tác dụng rõ rệt. Vì vậy, người bệnh phải kiên trì dùng trong thời gian dài và dùng cho hết đợt điều trị, ngay cả các triệu chứng bệnh đã hết.
Sản phẩm thuốc Nhức khớp tê bại hoàn vừa được phát hiện trộn paracetamol.
Thế nhưng do tâm lý người bệnh, khi dùng thuốc Đông dược rồi lại muốn tác dụng nhanh, thấy ngay hiệu quả và một số người làm ăn không chân chính đã lợi dụng tâm lý này trộn thuốc tân dược vào trong sản phẩm Đông dược của mình để tạo uy tín “thuốc hay, thầy giỏi”.
Rất nhiều người uống thuốc Đông dược (đặc biệt là thuốc của các thầy lang, bà mế) thấy hiệu quả tức thì như hết đau, hết sưng, hết viêm, béo lên, ăn ngon... thì cho là “gặp thầy, gặp thuốc”, lại mách bảo, truyền miệng cho nhau tới mua dùng... Thế nhưng, nhiều trường hợp xảy ra tai biến nặng như chảy máu dạ dày... phải đi cấp cứu cũng không biết là do mình uống thuốc Đông y.
Và mới đây, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nguy kịch tính mạng, có đặc điểm chung đều mắc bệnh đái tháo đường, tự ý uống thuốc hạ đường huyết “gia truyền”, trong đó có người do uống thuốc “gia tuyền” cả thời gian dài đã bị suy đa tạng.
Các thuốc Đông y trộn tân dược thường liên quan chữa các triệu chứng viêm, đau, nhất là các bệnh về xương khớp. Vì vậy các dược chất được trộn vào đông dược chủ yếu là các thuốc giảm đau, kháng viêm như paracetamol, aspirin, corticoid (như dexamethason, betamethason...). Các tân dược này được tán thành bột, trộn vào Đông dược rồi chế thành thành phẩm ở dạng viên (viên hoàn, viên tễ), dạng cao lỏng... bán cho người bệnh.
Nguy biến khó lường...
Mục đích của người sản xuất Đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh, trong khi đó người bệnh lại không biết được những nguy hiểm tiềm ẩn chứa trong thuốc. Cụ thể:
Đối với paracetamol, một thuốc giảm đau, hạ sốt rất thông dụng, sẽ rất an toàn khi sử dụng đúng liều ở người bình thường, nhưng sẽ nguy hiểm khi dùng quá liều, vì thuốc gây hại gan từ nhẹ đến nặng (tùy thuộc vào liều lượng dùng, thực thể người bệnh) và đặc biệt nguy hiểm đối với người có bệnh về gan, hay uống rượu trong khi dùng thuốc...
Đối với aspirin, dexamethason, betamethason thì những người đang loét dạ dày - tá tràng tuyệt đối không được dùng, những người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng, người bệnh hen mà dùng aspirin vào thì bệnh sẽ tiến triển nặng thêm. Hai chất dexamethason, betamethason còn gây nhiều tai biến nặng nề như gây rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, loãng xương, làm suy giảm miễn dịch của cơ thể..., nhất là đối với người có tuổi, đối tượng hay dùng thuốc đông dược. Có những tác dụng phụ không thể khắc phục.
Đối với tân dược, người sử dụng được bác sĩ, dược sĩ cảnh báo nguy cơ, có liều lượng rõ ràng, được dặn dò cách uống thuốc, cách khắc phục bất lợi (đối với những thuốc đặc biệt, có nhiều tác dụng phụ), có chống chỉ định và thường dùng trong một thời gian ngắn... Còn đối với tân dược được trộn vào Đông dược, sự nguy hiểm là không xác định được liều lượng, thời gian dùng lại kéo dài, không có chống chỉ định, người bệnh cứ tin rằng mình đang được dùng thuốc có “nguồn gốc thiên nhiên”. Chỉ đến khi bị tác hại do thuốc gây ra rất trầm trọng, đến bệnh viện mới ớ người ra... thì đã muộn.
Với những người vừa dùng thuốc Tây y, lại vừa dùng thuốc Đông y của ông lang, bà mế (nhất là với bệnh nhân về xương khớp) thì lại càng nguy hiểm, bởi có khi hai loại thuốc này đều có chứa cùng hoạt chất.
Để an toàn trong dùng thuốc, người bệnh cần đi khám ở những nơi được cấp phép hành nghề, những địa chỉ có uy tín; tránh xa các thuốc không nhãn mác, không thành phần và không nơi sản xuất, cảnh giác với những lời quảng cáo thuốc như là “thần dược”..
Khi uống thuốc Đông dược mà người bệnh thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm một cách nhanh chóng, xuất hiện phù, giữ nước, ăn ngon, tăng cân, tăng huyết áp, đau bụng... có thể nghĩ tới khả năng trong thuốc có trộn tân dược, cần ngừng thuốc, đi khám và điều trị kịp thời.