Tại Hội nghị truyền thông về dịch bệnh mùa hè 2017 do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế tổ chức sáng 13/7, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát như cúm, sốt xuất huyết, viêm não virut, dại, tay-chân-miệng... Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng sang nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh, cần cảnh báo mạnh mẽ bệnh liên cầu khuẩn lợn truyền sang người bởi 6 tháng đầu năm, dịch bệnh này tăng thêm 40 ca so với cùng kỳ...
Tuyệt đối không dùng aspirin hạ sốt khi bị sốt xuất huyết
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 45.000 người mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong, tăng 2 trường hợp. Số mắc bệnh tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung; riêng Hà Nội tăng gần 300%. Các tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tích lũy cao nhất là: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa...
Với dịch viêm não virut, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận 367 ca mắc và 10 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 0,8%. Bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 62 ca và có 1 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc viêm não Nhật Bản tăng 11,4%.
Về dịch bệnh ho gà, 6 tháng đầu năm 2017 có 266 trường hợp mắc bệnh, tử vong 3 trường hợp. So với cùng kỳ năm trước, dịch bệnh này tăng 186%.
Tích cực tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng. Ảnh: TM
Tuy nhiên, tại hội nghị, vấn đề các nhà báo dành nhiều quan tâm đối với TS. Trần Đắc Phu đó là những nội dung xoay quanh dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Theo TS. Trần Đắc Phu, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong gần như tương đương, tuy nhiên điểm khác biệt là năm nay dịch xuất hiện sớm hơn. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung; tại Hà Nội tăng 3 lần. TP.HCM hiện là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất với hơn 10.000 ca, sau đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội...
Ví như, tại Hà Nội dịch thường tăng cao vào tháng 7-8 hàng năm, nhưng năm nay tăng ngay từ tháng 5-6. Trong thời gian tới, dịch còn diễn biến phức tạp, thời điểm này đang là đợt cao điểm của bệnh. “Kiểm tra thực tế tại Hà Nội cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân chưa làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch; chưa có ý thức trong việc loại bỏ tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy; không hợp tác khi nhân viên y tế đến phun muỗi. Bên cạnh đó, Hà Nội có khoảng 12.000 lốp ôtô cũ - đây cũng chính ổ chứa bọ gậy”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin.
Vì thế, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong giai đoạn hiện nay, người dân khi thấy có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện để được khám, điều trị kịp thời.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, trong điều trị, người dân nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
Nói mãi vẫn có người tử vong vì bát tiết canh, ăn thịt tái
Một dịch bệnh khác cũng đang gia tăng trong 6 tháng đầu năm là dịch bệnh liên cầu lợn. Thông tin tại hội nghị cho biết, cả nước ghi nhận 69 trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn rải rác ở 23 tỉnh, thành, trong đó có 4 trường hợp tử vong do ăn tiết canh, thịt heo tái, tăng 40 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Trong 69 trường hợp mắc liên cầu lợn, số ca mắc tập trung nhiều nhất ở Hà Nội (8 ca) và Bến Tre (8 ca). Tiếp đó là số ca mắc cũng ghi nhận rải rác ở TP.HCM, Huế, Lào Cai... Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, vi khuẩn liên cầu có thể tồn tại cả trong lợn bệnh và lợn lành mang trùng. Vì thế, nếu tiếp xúc (qua giết mổ, chăn nuôi) hay ăn thực phẩm chưa nấu chín từ lợn đều có nguy lây bệnh. Nhưng nguy cơ cao nhất và ghi nhận ở hầu hết những bệnh nhân này có ăn tiết canh, thịt lợn tái hoặc tham gia giết mổ lợn.
Liên cầu lợn là bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Do đó, để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh...
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà...