Những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc đã xuất hiện nhiều ca đau mắt đỏ với tốc độ lây lan nhanh. Tuy là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nhưng chúng ta không nên chủ quan mà cần phải có các biện pháp để phòng tránh lây lan ra cộng đồng.
Cứ vào thời điểm mùa mưa (tháng 6, 7, 8 âm lịch) hàng năm, dịch đau mắt đỏ lại xuất hiện. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng rất nhanh. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 1.300 - 1.500 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt, trong đó riêng bệnh đau mắt đỏ có khoảng 150 trường hợp, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.
Những ngày qua, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh tại nhiều địa phương. Ảnh: Trần Minh
Đến hẹn lại... xuất hiện
Theo phân tích của các chuyên gia kết, giác mạc: Đây là khoảng thời gian bệnh bùng phát mạnh nhất trong năm. Lý do chính là khi thời tiết từ nắng nóng chuyển qua mưa ẩm thấp, độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho virut phát sinh trong không khí. Các điều kiện như vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm... tạo ra môi trường để bệnh dễ dàng phát triển và bùng phát thành dịch. Một lý do nữa là khi bước vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người chưa thích nghi kịp với môi trường dẫn đến dễ nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi và hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm, lúc đó virut dễ dàng xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Do kết mạc mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị nhễm bệnh và các yếu tố gây bệnh rất dễ phát tán ra ngoài và lây cho những người khác.
TS.BS. Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - Giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết: Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp do vi khuẩn hoặc virut gây ra. Tuy nhiên viêm kết mạc do virut sẽ lây lan, tạo thành dịch do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường: hô hấp; nước bọt; qua tay: cầm, nắm, chạm vào những đồ vật của nguồn bệnh; qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng...
Triệu chứng đầu tiên là người bệnh thấy ngứa, cộm và ngày một tăng. Thậm chí có người còn cảm thấy như có cát ở trong mắt. Mắt đỏ dần và lan ra toàn bộ mắt. Một số trường hợp mi có thể sưng nề. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai. Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em). Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó nhìn, vướng, nhòa vì có gỉ mắt nhưng thị lực không bị suy giảm. Khả năng bị bệnh viêm kết mạc cấp càng nhiều nếu sống ở nơi có người bị đau mắt đỏ.
Đường lây chính của viêm kết mạc cấp là qua đường tay - mắt nên cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt trong lúc dịch bệnh lan rộng.
Không được chủ quan
Theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông, đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng là một bệnh lành tính, sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng gì. Với các trường hợp viêm kết mạc cấp do vi khuẩn, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh tại mắt. Với các trường hợp viêm kết mạc do virut, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh tra mắt để chống bội nhiễm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm phù nề. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách hoặc tự ý điều trị bằng những phương pháp dân gian có thể làm tổn thương cả ở giác mạc như viêm giác mạc, trợt giác mạc gây ra sẹo giác mạc và làm thị lực suy giảm.
Một điểm cần chú ý nữa là đau mắt đỏ là danh từ chung gọi một cách dân dã. Nhưng trên thực tế có rất nhiều bệnh đỏ mắt mà không phải đau mắt đỏ, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn... Trong đợt dịch như thế này đôi khi người bệnh chủ quan, bị đỏ mắt lại nghĩ mình bị đau mắt đỏ đơn thuần (viêm kết mạc cấp) nên ở nhà tự điều trị, không đến bệnh viện.
Vì vậy, cho dù bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) là bệnh đơn giản nhưng khi mắc phải đến bệnh viện để bác sĩ khám, chẩn đoán; tránh nhầm sang bệnh đỏ mắt khác không được điều trị đúng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Quan trọng nhất là giữ vệ sinh
Nhiều người đau mắt đỏ cho rằng họ bị bệnh là do lỡ nhìn vào mắt người bệnh, nhưng thực tế không có chuyện bị lây do nhìn. Đường lây chính của viêm kết mạc cấp là qua đường tay - mắt (người bệnh dụi tay vào mắt, sau đó chạm vào các đồ vật khác, người lành tiếp xúc những đồ vật đó sẽ mắc bệnh) nên việc phòng ngừa quan trọng nhất là phải giữ vệ sinh. Mỗi người phải có ý thức kiểm soát và giữ gìn thật tốt, tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh, đặc biệt trong lúc dịch đang lan rộng. Cụ thể: không dụi mắt bằng tay; rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng. Rửa tay kỹ, thường xuyên với nước sạch và xà phòng, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (sáng, trưa, tối); người bệnh nên lau rửa dịch gỉ mắt nhiều lần một ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.
Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.
Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh. Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong thời gian đau mắt đỏ và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần; tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; nếu trẻ bị bệnh nên để ở nhà, không đưa đến nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
Mai Linh (ghi)