Hà Nội

Cảnh báo dịch bệnh mùa đông xuân dễ bùng phát

02-12-2015 09:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin tại cuộc gặp gỡ báo chí về tình hình dịch bệnh mùa đông sáng ngày 1/12, TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, mùa đông xuân với sự thay đổi thất thường của thời tiết sẽ khiến nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là những căn bệnh dễ lây nhiễm.

Vạ thân vì thịt lợn: Thấy chết vẫn không chừa

Mới đây nhất, giữa tháng 11/2015, BV Bệnh Nhiệt đới TW đã tiếp nhận 2 ca (ở Ba Vì, Hà Nội) mắc liên cầu khuẩn lợn nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày rất nguy kịch, phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu. Theo lời kể của gia đình, trước đó, gia đình có mổ lợn sữa chết để ăn thịt. Theo Cục Y tế dự phòng, trường hợp như 2 ca bệnh này không phải hiếm vì đến tháng 11/2015, cả nước ghi nhận 82 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn, 10 ca tử vong. Tính riêng trong 3 tháng (8 - 10/2015), đã có 5 ca tử vong trong tổng số 32 ca mắc mới. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, 2 trong số đó đã tử vong là bệnh nhân ở Mỹ Đức và Hà Đông.

Phòng chống dịch bệnh cần có sự chung tay của cả người dân và ngành y tế. Ảnh: T. Minh

Theo TS. Trương Đình Bắc, dù không gây thành dịch, nhưng bệnh liên cầu khuẩn lợn lại chủ yếu xảy ra vào mùa đông xuân vì cuối năm, người dân có phong tục giết mổ lợn ăn Tết, lễ hội. Tâm lý người dân cho rằng lợn sạch sẽ, lợn nhà nuôi không sợ bệnh là hoàn toàn sai lầm. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh. Thực tế trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết ở lợn. Nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang liên cầu khuẩn. Đó là lý do tại sao có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh.

Vì sự nguy hiểm của bệnh đối với sức khỏe và tính mạng của mỗi người dân, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng: Không thể chủ quan

Tại hội nghị, trước câu hỏi về việc trên một số trang mạng xã hội có thông tin phản ánh về một chủng virut sốt xuất huyết (SXH) mới rất nguy hiểm. Theo đó, người bệnh không được ăn cơm vì nếu ăn cơm sẽ bị thủng ruột, chỉ được uống nước cháo, nước cam, oresol... Ngoài ra, bệnh nhân phải kiêng gió, không được đánh răng, tắm vì nếu chảy máu sẽ không cầm được do máu không đông, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết sẽ liên hệ ngay với WHO để kiểm tra thông tin về chủng virut này. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh, tại Việt Nam, các chuyên gia đã khẳng định virut gây bệnh SXH đến thời điểm hiện tại là virut Dengue.

Về dịch bệnh SXH, mặc dù đã vào mùa đông, tuy nhiên tại nhiều địa phương phía Nam, miền Trung, bệnh này vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 69.441 ca mắc SXH, làm 47 người tử vong, bệnh lưu hành ở 56/63 tỉnh, thành phố. Riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã có khoảng 16.700 ca SXH nhập viện, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2014 (hơn 7.700 ca), trong đó có 6 trường hợp tử vong, cao hơn số ca tử vong năm 2014 (5 ca). Tại Khánh Hòa, đến giữa tháng 11/2015, toàn tỉnh ghi nhận 5.494 ca mắc SXH, cao gấp 5 lần so với năm 2014. Trong đó, có 170 người bệnh nặng, 2 người tử vong. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc bệnh. Do đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo về phòng chống bệnh này bởi theo Cục Y tế dự phòng, do tác động của biến đổi khí hậu nên dịch SXH có thể kéo dài.

Ngoài ra, mùa đông xuân cũng là thời tiết gây ra hàng loại các bệnh lây nhiễm như dịch cúm, bệnh tay-chân-miệng, sởi, Rubella. Đặc biệt là bệnh cúm gia cầm vì mùa cuối năm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm tăng cao, do đó nguy cơ nhập lậu gia cầm từ phía Bắc là không tránh khỏi. Trong khi đó, Trung Quốc đang có dịch cúm H7N9. Ông Trương Đình Bắc cảnh báo người dân nên mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.


Nguyên Ánh
Ý kiến của bạn